28/8/10

Video clip - Trường Sa Đéc

Phần 1:





Phần 2:





Phần 3:


Công viên Chiến thắng



Ngày nay, đến vui chơi hay tham quan ở Công viên Chiến Thắng thuộc địa bàn phường I, thị xã Sa Đéc, khó có ai biết được nơi này trước năm 1975 là khu vực đóng quân và là kho vũ khí, đạn dược phục vụ chiến tranh của quân đội Ngụy quyền Sài Gòn. Bởi sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng Đảng, Chính quyền và nhân dân thị xã Sa Đéc đã ra sức thu dọn, tháo gở bom đạn để biến nơi đây thành một công viên xinh đẹp, với tên gọi là “Công viên Chiến Thắng”. 
Công viên Chiến Thắng có diện tích 04 ha tràn ngập màu xanh và hương sắc của hoa lá, cây kiểng quý, khung cảnh đẹp và mát mẻ. Đặc biệt, ở khu trung tâm là tượng đài Bác Hồ cao 13,5m với dáng đứng uy nghi mà dung dị, đôi mắt nhìn xa xăm trìu mến, bàn tay đang đặt giữa trái tim thể hiện tình cảm của Bác Hồ khi đón đoàn cán bộ miền Nam ra thăm miền Bắc. Tượng đài mang tên “Miền Nam trong trái tim tôi” và là một trong những tượng đẹp nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, Công viên Chiến Thắng còn có các công trình văn hoá thể thao như: sân tập thể dục  thể hình, sân bóng chuyền, sân bóng đá mini dành cho các em thiếu nhi; Nhà văn hoá thị xã Sa Đéc. Trong những năm tới Công viên Chiến Thắng sẽ được mở rộng và sẽ đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình để phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí và du lịch cho nhân dân.
Những năm qua, Công viên Chiến Thắng là nơi thu hút các tầng lớp nhân dân ở thị xã Sa Đéc và các nơi đến vui chơi giải trí sau những ngày làm việc. Với các sinh hoạt văn hoá như câu lạc bộ hát với nhau, câu lạc bộ những người thích cây cảnh, hội thi thả diều, biểu diễn văn nghệ quần chúng, biểu diễn các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, tập luyện thể dục buổi sáng… Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, nơi đây còn diễn ra những cuộc mít tinh ngoài trời dưới chân tượng Bác Hồ có thể đủ chổ cho 15 đến 20 ngàn người dự lễ.
Với địa điểm lí tưởng giữa trung tâm thị xã công nghiệp có cảnh sắc đẹp thanh lịch, Công viên Chiến Thắng chắc chắn sẽ thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

21/8/10

Lưu Văn Lang - Kỹ sư đầu tiên của Đông Dương


Lưu Văn Lang (1880 - 1969) là kỹ sư người bản xứ đầu tiên của Việt Nam và toàn cõi Đông Dương. Ông là một nhà trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam nửa đầu thế kỷ 20.

Người kỹ sư đầu tiên của Đông Dương thuộc địa

Ông sinh ngày 5 tháng 6 năm 1880 tại làng Tân Phú Đông, hạt Sa Đéc (nay thuộc thị xã Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nghèo làm nghề thủ công phục vụ cho nông nghiệp nhưng có truyền thống hiếu học.
Thân sinh ông là cụ Lưu Văn Cúng, vốn là một người xuất thân Nho học. Vì vậy, ngay từ nhỏ, ông đã được học chữ Nho. Đến năm lên 10, ông bắt đầu học tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Vốn có tư chất thông minh lại chăm chỉ, ông nhanh chóng trở thành một học sinh xuất sắc và giành được suất học bổng đặc cách vào học trường Chasseloup-Laubat tại Sài Gòn. Năm 17 tuổi, ông thi đậu tú tài 2 của Pháp với số điểm xuất sắc, do đó nhận được học bổng sang Pháp học tại trường École Centrale de Paris (thời đó gọi là trường Bá Nghệ trung ương Pháp quốc) - nơi đào tạo kỹ sư lớn nhất tại Pháp thời bấy giờ. Năm 1904, ông tốt nghiệp loại ưu bằng Kỹ sư Bá nghệ (Ingénieur des Arts et Manufactures de L’Ecole centrale de Paris), xếp hạng 8/250 sinh viên, trở thành kỹ sư đầu tiên ở Đông Dương là người bản xứ.

Bác vật Lang - người trí thức đất Nam Bộ

Sau khi tốt nghiệp, ông trở về nước và được nhà cầm quyền Pháp trọng dụng, cử ngay sang Vân Nam (Trung Quốc) để tham gia thiết kế và xây dựng tuyến đường sắt nối liền Đông Dương và Vân Nam.
Năm 1909, sau khi tuyến đường sắt hoàn thành, người Pháp đưa ông về Sài Gòn làm việc trong Sở Công chánh Đông Dương, giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Sở Công chánh, thường xuống Bạc Liêu theo dõi các công trình xây dựng. Ông không chỉ được người dân đương thời Nam Bộ kính trọng và gọi là "quan Bác vật Lang"[1] mà còn được các kỹ sư Pháp kính nể.

Năm 1929, ông cùng với hai người Việt đứng ra sáng lập Việt Nam Ngân hàng tại Sài Gòn và giữ chức Chủ tịch. Ngoài ra, ông còn tham gia thành lập Hội Khai Trí Việt Đức ở Hà Nội và hội SAMIPIC ở Sài Gòn, giúp nhiều sinh viên nghèo học giỏi được đi du học và trở thành nhà trí thức quan trọng. Từ năm 1943-1944,ông tích cực truyền bá chữ quốc ngữ tại Sài Gòn và các tỉnh.

"Tôi đã quá già để làm tay sai!"

Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, ông được vua Bảo Đại mời ra tham gia nội các Trần Trọng Kim để giữ chức bộ trưởng Công Chánh, ông đã từ chối để thể hiện sự bất hợp tác với chính quyền mà ông cho là chỉ là một công cụ của người Nhật.

Khi Việt Minh giành chính quyền, ông ít nhiều thể hiện sự đồng tình với chính quyền độc lập của người Việt. Chính vì thế, sau khi người Pháp tái chiếm Nam Bộ, để xây dựng một chiêu bài chính trị hòng chia rẽ người Việt, họ đã cho mời ông tham gia Hội đồng tư vấn Nam Kỳ của chính phủ Nam Kỳ quốc do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh đứng đầu. Kỹ sư Lưu Văn Lang đã trả lời thẳng thắn: "Je suis trop vieux pour servir de valet!" (Tôi đã quá già để làm tay sai!)[2]

Đi xa hơn nữa, thể hiện sự phản đối của mình đối với chính quyền được cho là "bù nhìn" và công cụ của người Pháp nhằm chia rẽ người Việt, tháng 5 năm 1947, ông đã ký tên đầu tiên vào bản Tuyên ngôn của 400 trí thức (gồm những bác sĩ , kỹ sư, giáo sư, luật sư... ) có cả Tỉnh trưởng Albert Tình và quan tòa Trần Văn Tỷ) đòi “Chính phủ phải chấm dứt chiến tranh và thương lượng với Chính phủ Cụ Hồ Chí Minh”.

Năm 1948, ông được chính phủ kháng chiến mời làm cố vấn Hội trưởng Hội Liên Việt Sài Gòn-Chợ Lớn vừa được thành lập.

Tháng 6 năm 1949, một lần nữa ông cùng hàng trăm tri thức Sài Gòn kí tên vào bảng tuyên ngôn đòi Pháp phải thương thuyết với Hồ Chí Minh để chấm dứt chiến tranh.
Ngày 12 tháng 1 năm 1950, ông là một trong những người dẫn đầu đoàn biểu tình trong đám tang học sinh Trần Văn Ơn tại Sài Gòn.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông tham gia sáng lập phong trào Hòa Bình đòi thì hành Hiệp định, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, được cử làm chủ tịch danh dự. Tháng 11 năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt giam ông cùng một số trí thức lãnh đạo phong trào. Một thời gian ngắn sau đó, chính quyền phải trả tự do cho ông vì áp lực của dân chúng và thiếu bằng chứng buộc tội.

Tháng 7 năm 1955, một lần nữa ông cùng Phong trào Hòa bình kêu gọi thi hành tổng tuyển cử. Phong trào bị đàn áp mãnh liệt, nhiều trí thức bị bắt giam, giáo sư Nguyễn Thị Diệu bị ám sát dã man, Phong trào bị chính quyền giải tán. Kỹ sư Lưu Văn Lang tuy không bị bắt giam, nhưng bị chính quyền quản thúc chặt chẽ cho đến tận năm 1958[3].

Thời gian sau đó cho đến tận cuối đời, tuy không trực tiếp tham gia các hoạt động chính trị nữa, nhưng kỹ sư Lưu Văn Lang vẫn có những liên hệ bí mật với Ban Trí vận Trung ương Cục miền Nam và thường xuyên phổ biến các văn kiện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng ngay giữa Sài Gòn.

Ông qua đời tại Sài Gòn ngày 3 tháng 6 năm 1969, thọ 88 tuổi. Sinh thời, ông được đánh giá là một nhân tài của Việt Nam, nhà trí thức tiêu biểu cho nghĩa khí người Nam Bộ.

Ngày 14 tháng 8 năm 1975, Ủy ban quân quản Sài Gòn đã đổi tên đường Tạ Thu Thâu bên hông chợ Bến Thành thành Lưu Văn Lang (nay thuộc Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)[4].

Ngày này, tại thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp cũng có một ngôi trường, một con đường mang tên ông.

Giai thoại cuộc đời
Đồng hồ đá tại Bạc Liêu

Đương thời, Cụ Lưu Văn Lang nổi tiếng giỏi nghề và rất đức độ nên được sự kính nể của các người Pháp lẫn người Việt. Đặc biệt, người Nam Bộ bấy giờ thường đồn đại nhiều giai thoại về “Bác vật Lang” hiểu thấu nhiều bí mật về “Thiên cơ”, chẳng hạn như vùng đất nào sẽ sụp lở, chiếc cầu sắt nào sẽ hư và núi nào sẽ nứt...

Một giai thoại nổi tiếng đầu thế kỷ 20 tại Bạc Liêu, khi cầu Long Thạnh (do một kỹ sư Pháp chủ trì) xây dựng sắp xong, ông lấy gậy gõ vào thành cầu rồi khẳng định với kỹ sư Pháp rằng một tháng nữa cầu sẽ sập. Viên kỹ sư Pháp hết sức phẫn nộ nhưng rồi vô cùng bái phục bởi cây cầu sập đúng thời gian như ông nói. Từ đó cầu Long Thạnh được gọi là cầu Sập. Do việc này, viên tỉnh trưởng Bạc Liêu thời đó rất khâm phục nên đối đãi với ông rất hậu hĩ. Để đáp lại tình cảm đó, ông xây tặng viên tỉnh trưởng một chiếc đồng hồ mặt trời ngay trong dinh tỉnh trưởng Bạc Liêu (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bạc Liêu, số 84 Hai Bà Trưng, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).

Chiếc đồng hồ này xây bằng gạch tàu và xi măng cao khoảng 1m, rộng 0,8m, mặt quay về phía đông ở trước sân dinh tỉnh trưởng. Đồng hồ gồm 3 phần: Phần giữa hình chữ nhật đứng, nhô ra phía trước; hai mặt hai bên xây hình vuông bằng gạch tàu, mỗi mặt khắc 6 chữ số La Mã theo hình vòng cung, biểu thị số giờ. Ánh nắng chiếu xuống phần hình chữ nhật tạo ra vệt sáng tối. Con số nào nằm giữa hai vệt này là số giờ lúc ấy.

Một giai thoại khác về Hang Bác vật Lang tại núi Cấm (An Giang). Khi người Pháp thám sát các hang núi Cấm, họ đã đưa Bác vật Lang lên núi Cấm và thòng dây thả ông xuống để thám sát lòng hang này. Trong hang rất tối, lạnh lẽo, thiếu dưỡng khí nên mọi thứ đèn đuốc đều khó cháy sáng. Sau gần một ngày xem xét ở dưới đó, ông trở lên mặt đất và từ đó ông không nói một lời nào… Từ đó, người địa phương gọi tên hang theo tên ông.


Chú thích
1.  "Bác vật" là một từ thường được dùng ở Nam Bộ đầu thế kỷ 20 để chỉ những người thông thái, hiểu biết sâu về một hay nhiều lĩnh vực khoa học, có nghĩa gần tương đương với "Bác học"
2.  Một câu trả lời "lịch sự" hơn là “Tôi già rồi không làm đầy tớ cho ai được nữa”
3.  Một số người cho rằng chính quyền không mạnh tay với ông là do sự can thiệp của con rể ông là Bác sĩ Trần Văn Đỗ, chú ruột của Trần Lệ Xuân, người từng có giai đoạn làm ngoại trưởng cả Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa).
4.  “The First Pedestrian Street”. Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập 12 tháng 4 năm 2008.
(Theo Wikipedia)

Thương nhớ hoài... ba khía

Thuộc loài giáp xác, hình dạng gần như cua đồng, như còng, như cáy... đó là con ba khía, cũng tám cẳng hai càng. Vỏ ba khía nhám, tím tím, trên lưng có khuyết ba rạch nên gọi là ba khía.
Mùa "ba khía hội", đêm nước rông tràn bờ lai láng, người ta xách lồng đèn, lội dọc bờ kênh bắt ba khía đeo nghẹt thân cây mắm, đem về rửa sạch, bỏ vô khạp. Nước muối nấu sôi, vớt bọt cho trong, chờ nguội đổ vào, đậy kín khoảng 4-5 hôm. Có nhiều cách chế biến: luộc, lăn bột chiên, xào me, xào sả, nấu canh chua..., nhưng ngon nhất, mộc mạc và đặc trưng "ba khía" nhất, là ba khía trộn.
... Không biết ghiền ăn ba khía từ lúc nào, chỉ nhớ nhà nghèo, ít thịt thà, bữa cơm có ba khía thôi cũng đủ ngon lắm rồi! Ngày đó ba khía muối thường bán chục (10 hoặc 12 con), chứ không trộn sẵn, cân gờram như giờ, gói trong tấm lá sen xanh mướt. Mua về, má bỏ vô tô lớn, đổ nước nóng rửa vài ba lượt, lặt bỏ mai, yếm, xé thành những phần nhỏ. Đâm tỏi, ớt thật nhiều, thật cay, đổ ba khía vô rồi trộn thêm đường (đường cát vàng hột to, đường thẻ nấu sệt hay đường thốt nốt cũng lạ), vắt chanh. Chỉ vậy thôi, không me, không tương xí muội, không... hằm bà lằng như bây giờ. Để càng lâu, ba khía càng dịu và ngon.


Ba khía ăn với cơm nguội mới đúng điệu, mà phải lấy tay bốc nữa. Nhẩn nha ngậm từng cái que nhỏ, cắn vỡ càng, nhón lấy miếng thịt mềm, dịu, chan nước trộn ba khía mặn, ngọt, chua, cay... Cái hương vị thật tuyệt vời, thật cá mắm, thật sông nước miền Tây, thật đồng bằng Nam bộ. Tôi đã từng ăn cơm với ba khía trong bếp nhỏ nhà má, dưới gốc khế vườn ngoại, có khi cạnh đám bần nước ven sông, ngoài cánh đồng mới gặt xong còn trơ rạ... Những khung cảnh hương đồng gió nội đó hòa quyện, làm nền cho món ăn dân dã này càng thêm "đậm đà bản sắc dân tộc".
Trong khuynh hướng tìm về thiên nhiên, những rau luộc, kho quẹt, cá cơm kho, cà tím nướng... đã vinh danh trong menu của các nhà hàng sang trọng, thì cơ may dành cho ba khía là đương nhiên! Tuy nhiên, tôi không hình dung được món ba khía trộn nếu thưởng thức trong nhà hàng máy lạnh thì sẽ ra sao? Mấy năm gần đây, ba khía hiện diện trong các quầy kính của siêu thị trông rất vệ sinh và cao cấp, nhưng mua về ăn thử thấy không ngon, không tìm ra "hương" ba khía, chỉ toàn mùi gia vị!
Cuộc sống thành thị cuốn đi, thực đơn mỗi ngày bổ sung thêm món Tây, món Tàu, Nhật, Hàn Quốc..., món ăn quê nhà, món ăn tuổi thơ, món ăn kỷ niệm vẫn nằm sâu trong ký ức. Năm thì mười họa về Sa Đéc, má hỏi muốn ăn gì má nấu. Lần nào cũng vậy: Má ơi, trộn ba khía đi!
Thật bất ngờ, nhận email của Linda từ Houston: "Dì nhắn ngoại gửi ba khía cho con"! Đứa cháu thế hệ 9X sinh ra và lớn lên nơi đất khách quê người mà cũng biết và muốn ăn món dân dã của quê cha đất tổ. Thấy lòng rưng rưng...
Có ai như tôi, đã ăn và "thương nhớ" hoài... ba khía?
Mây Mây
(phunuonline.com.vn)

14/8/10

Làng hoa Tân Quy Đông, hương sắc tình đồng bằng Sông Cửu

Vậy là thêm một lần nữa chúng tôi lại có mặt tại làng hoa Tân Quy Đông, khi mà những khu vườn hoa đang rực rỡ hương sắc, đón xuân về. Để có dịp nhìn thấy tận mắt, có dịp tìm hiểu nhiều hơn nữa về một vùng đất trù phú ở miền đồng bằng này.


Sa Đéc tên nguyên thủy của nó là Phsar Dek, tiếng Khmer có nghĩa là “Chợ Sắt”, còn vì sao nó được đặt cái tên như thế thì cho đến giờ, vẫn chưa có một tài liệu nào chính xác cả.
Vào thời vua Minh Mạng, sau khi tả quân Lê Văn Duyệt qua đời vào năm 1832, thì vua Minh Mạng phân chia miền Nam thành Lục Tĩnh, và Sa Đéc thuộc phủ Tân Thành tỉnh An Giang. Qua nhiều giai đọan lịch sử, đến bây giờ Sa Đéc là một thị xã thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Với một địa thế thuận lợi cả đường sông lẫn đường bộ, Sa Đéc là một khu chợ khá sầm uất ở vùng ĐBSCL.


Trước và trong thời pháp thuộc ngòai khu chợ Sa Đéc, các vùng như Tân Quy Tây, Tân Quy Đông, Lấp Vò, Lai Vung,…dân cư còn thưa thớt hơn bây giờ, phần lớn là ruộng đồng, đất hoang với hoa dại, cây cỏ mọc um tùm.

Những người dân đến đây sinh sống, khai phá thường chọn những gò đất cao để xây cất nhà, vì như vậy, họ sẽ được an tòan khi mùa nước nổi trở về hàng năm.

Ban đầu những người dân này, chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước, cây ăn trái và đánh bắt thủy sản, xung quanh nơi họ sinh sống hoa dại mọc rất nhiều, với nhiều màu sắc rực rỡ, họ đã mang về trồng, chủ yếu là để trang trí sân nhà. Nên nếu có dịp lang thang xung quanh làng này, các bạn dễ dàng nhận cái cái tinh tế, hài hòa trong cách trang trí nhà bằng hoa của người dân Tân Quy Đông.






Thời kỳ thực dân Pháp thực hiện các chính sách thực dân, họ cho đào kênh mương, phát triển giao thông đường thủy, để ghe thuyền dễ dàng lưu thông vào tận các vùng sâu mà thu thuế quan, vận chuyển hàng hóa thu được,…

Chuyện kể rằng, khi người pháp và những người thành thị đến đây, nhìn thấy nhà nào cũng trồng hoa trang trí rất đẹp, họ xin hoặc mua về, rồi dần dần nhu cầu tăng cao, cả làng bắt đầu có một nghề mới là trồng hoa kiểng, và nó phát triển cho đến ngày nay.
Họ tần tảo sớm hôm, chăm sóc từng cánh hoa, chậu kiểng.


Họ vui cười như một lời chào đón khi có khách phương xa đến tham quan.


Sẵn sàng cho vào vườn để chụp ảnh.


Hằng năm, cứ mỗi dịp xuân về, làng hoa Tân Quy Đông lại tưng bừng rộn rã hương sắc của rất nhiều các lòai hoa khác nhau, thương lái khắp nơi về đây mua bán tấp nập, và những chậu hoa, chậu kiểng mang cái tình của người dân làng Tân Quy Đông đến với bà con không chỉ miệt ĐBSCL mà còn cả khắp các nơi khác.

Tạm biệt làng hoa Tân Quy Đông và thầm mong rằng nó sẽ tồn tại và phát triển mãi mãi.


Bài: Quang Bảo.
Ảnh: Thành Tiến - Nguyễn Xuân Hiến - Quang Bảo
Tài liệu tham khảo: Đại Nam Nhất Thống Chí, một số sách của nhà văn Sơn Nam.

Về Sa Đéc ăn hủ tiếu khô

Nếu có dịp về Sa Đéc (Đồng Tháp) đừng quên thưởng thức hai món đặc sản xứ này: bánh phồng tôm Sa Giang và hủ tiếu khô.

Bánh phồng tôm Sa Giang dễ dàng được tìm thấy ở các siêu thị trong thành phố nhưng với món hủ tiếu khô thì bạn không nên bỏ qua khi đến vùng Sa Đéc này.
Vào quán gọi một phần hủ tiếu khô, người ta sẽ hỏi bạn ăn hủ tiếu tương (chay) hay mặn. Cách làm không khác nhau là mấy, nếu như mặn thì dùng với thịt thăn heo còn nếu chay thì dùng tàu hủ ky.
Phần hủ tiếu được dọn ra gồm một đĩa hủ tiếu trộn với nước sốt cà chua sền sệt, rau sống, giá trụng, cần tây, hẹ, thịt nạc, gan heo xắt lát để lên trên. Nước sốt cà chua được làm từ nước cốt cà chín cho vào chảo phi thơm hành tỏi nêm với muối, đường, bột ngọt.. Bên cạnh đó là một chén súp là nước lèo hầm từ sườn heo với củ cải trắng và hành lá xắt nhuyễn.

Hủ tiếu khô chay

Hủ tiếu ở đây vừa dai vừa trắng hòa quyện các gia vị ngòn ngọt, mằn mặn làm nên món hủ tiếu khô đặc trưng vùng Sa Đéc. Theo nhiều người bán hàng thì món hủ tiếu khô có nguồn gốc từ Trung Quốc bởi vùng Sa Đéc trước đây có rất nhiều người Hoa sinh sống, có thể họ đã mang món ăn này từ quê nhà sang Việt Nam.
Món hủ tiếu khô được bán rất nhiều ở các hàng quán bên đường hay ở chợ Sa Đéc và hầu như muốn ăn lúc nào cũng được. Nhưng theo nhiều người dân thì thông thường ăn ở các quán sẽ ngon hơn ăn ở trong chợ. Các quán chỉ phục vụ ăn sáng và ăn chiều mà thôi. Còn nếu muốn ăn trưa thì vào chợ lúc nào cũng có.
(Theo: TBKTSG Online)
Related Posts with Thumbnails