12/6/10

Theo dấu chân người tình

Tour du lịch “Theo dấu chân người tình” - tham quan nơi ở của ông Huỳnh Thủy Lê, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Pháp nổi tiếng “Người tình” - đang hấp dẫn hàng ngàn lượt du khách mỗi ngày.


Công ty cổ phần Du lịch Đồng Tháp đang mở hành trình du lịch mới bằng tour “Theo dấu chân người tình”. Đó là mô hình du lịch đến tham quan Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, điểm du lịch hấp dẫn để mọi người tận mắt thấy nơi ở của ông Huỳnh Thủy Lê - nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Người tình” của nữ nhà văn người Pháp Marguerite Duras (tác giả cuốn tiểu thuyết cũng là người tình của ông Huỳnh Thủy Lê).

Ngoài ra, du khách còn tham quan các điểm du lịch liên quan đến ông Huỳnh Thủy Lê và người tình của ông là bà Marguerite Duras đã đóng góp, những kỷ niệm ở Trường Tiểu học Trưng Vương Sa Đéc, Chùa Ông Quách… Hiện nay, điểm du lịch nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là điểm du lịch văn hóa đã từng ghi dấu một thiên tình sử đẹp.

Ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Thủy Lê hấp dẫn du khách nước ngoài

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tại thị xã Sa Đéc được ngành Du lịch tỉnh Đồng Tháp chọn điểm dừng chân tham quan xem nhà cổ. Đây là loại hình du lịch văn hóa hấp dẫn du khách hiện nay tại tỉnh Đồng Tháp với ngôi nhà cổ được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và đang đề nghị di tích cấp quốc gia.

Nhà được xây dựng bằng gỗ năm 1895, đến năm 1917 trùng tu lại bằng gạch, vôi, ô dước, theo lối kiến trúc Đông - Tây, có 3 gian. Toàn bộ ngôi nhà được xây dựng trên diện tích 258 mét vuông, mặt tiền được trang trí với các hoa văn cây cỏ, chim muông tượng trưng cho bốn mùa. Bên trong ngôi nhà chính thờ Quan Công trưng bày giữa đại sảnh, các loại tủ, giường, bàn thờ đều được chạm khắc rất tinh xảo. Trang trí bên trong theo kiểu người Hoa.


Trước đây, ngôi nhà này là nơi ở của gia đình ông Huỳnh Thủy Lê - người tình đầu tiên của nữ văn sĩ người Pháp, Marguerite Duras. Sau khi ông Huỳnh Thủy Lê mất năm 1972, gia đình ông định cư ở nước ngoài, đến năm 2007 Công ty cổ phần Du lịch Đồng Tháp đưa vào khai thác du lịch tour “Theo dấu chân người tình”.

Do có nét kiến trúc đặc biệt của ngôi nhà cùng với sự lan tỏa của cuốn tiểu thuyết “L’ Amant” - Người tình (được dịch sang hơn 40 thứ tiếng) và bộ phim cùng tên, nên ngôi nhà đã thu hút ngày càng đông khách nước ngoài đến tham quan. Hiện Đồng Tháp ký kết với Công ty du lịch lữ hành quốc tế, hợp tác với các Công ty du lịch: Tàu du lịch La Marguerite, L’Amant, Pandaw, CaiBe Princesse, Sông Xanh Sampan và hơn 30 Công ty lữ hành quốc tế liên kết đưa khách đến tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê với tour “Theo dấu chân người tình”.

Thiên tình sử lãng mạn giữa ông Huỳnh Thủy Lê và nữ văn sĩ người Pháp được biết đến qua cuốn tiểu thuyết Người tình nổi tiếng và bộ phim cùng tên

Chị Nguyễn Thị Nga - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết: Mỗi ngày Trung tâm đón tiếp hơn 1.000 lượt du khách đến tham quan ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, trong đó 50% là khách người Pháp, còn lại là Mỹ, Nhật, Đức , Anh, Australia, Hà Lan, Bỉ…, khách trong nước chiếm chưa đến 10%. Nếu đi bằng đường thủy theo tour du lịch sông MêKông từ thành phố Hồ Chí Minh - Campuchia, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là điểm dừng chân chính trong cuộc hành trình, còn đi đường bộ bằng xe ô tô và xe đạp theo các tour du lịch đồng bằng sông Cửu Long.

Mới đây, du lịch Đồng Tháp cùng với Tổng Cục du lịch Việt Nam sang Pháp và giới thiệu các chương trình du lịch điểm đến tại Đồng Tháp; trong đó có giới thiệu tour “Theo dấu chân người tình” được 2 giải thưởng lớn (giải 3) và giải thưởng năm 2010 dành cho khách Pháp tham quan du lịch tại Đồng Tháp.


Nguyễn Văn Trí
TTXVN 
Theo dantri.com.vn

Nhớ Sa Đéc

Hoa Sa Đéc

Sa Đéc với tôi là cả khoảng nhớ mênh mông, sâu lắng với nhiều thứ kỳ diệu. Sa Đéc là những chuyến tàu tuổi thơ chòng chành, tôi theo mẹ từ chợ Mỹ Hiệp qua bến tàu gần nhà thương Sa Đéc của mỗi chuyến đi thăm ba.

Từ Mỹ Hiệp qua bến tàu Sa Đéc mất hơn một tiếng. Trong một tiếng đó, tôi tha hồ đọc sách với gió mát trên sông thổi lồng lộng. (Chuyến về là những quyển sách cũ của mấy cô em họ, ba nó làm nhà phát hành sách ở Sa Đéc nên lần nào tôi qua chơi, nó cũng lựa cho tôi vài cuốn). Có khi tôi nằm lăn ra hàng ghế hành khách, gối đầu lên đùi má ngủ ngon lành, cho đến khi má đánh thức tôi thì tàu đã cập bến Sa Đéc.


Sa Đéc là phố chợ đông vui, thứ gì cũng thu hút con bé nhà quê là tôi. Thường trên đường từ bến tàu để vào chỗ Sở Tư pháp nơi ba tôi ở và làm việc phải qua khu chợ Sa Đéc. Hai má con tôi đi bộ ngang khu chợ, thỉnh thoảng má dừng lại cho tôi ăn một ly bánh lọt hột lựu. Tôi nhớ cái gánh bánh lọt hột lựu nằm nép trước cửa một căn nhà cũ, có mấy cái ghế gỗ thấp thấp. Đó là những ly bánh lọt hiếm hoi và ngọt ngào nhất mà tuổi thơ tôi được hưởng.


Sa Đéc là cây cầu sắt quay bắc qua sông Sa Đéc. Cây cầu xây theo kiểu Pháp. Tôi và má phải đi qua cây cầu đó thì mới tới chỗ ở của ba. Xe cộ qua cầu ngược xuôi rầm rập, tôi vừa thích thú vừa sợ hãi khi ngó qua kẽ cầu thấy dòng Sa Giang đang trôi dưới chân mình.


Sở Tư pháp nơi ba tôi làm việc là dãy nhà có phòng làm việc cùng với những phòng ở tập thể. Bên hông trái, cách con hẻm nhỏ là nhà thờ Tân Quy, cứ 4 giờ chiều đổ chuông, tiếng chuông vang trên sông nước nghe rất lạ. Phòng ở của ba tôi trên lầu hai, từ hành lang trước phòng ba nhìn xuống đường sẽ thấy một công viên hoa nho nhỏ, đối diện qua bên kia đường là Trường tiểu học Tân Long (nay trường đã dời đi, thay bằng một trạm y tế, chắc có lẽ vì trường gần mặt đường quá).


Hồi đó, anh kế tôi lớp 2 đã chuyển trường qua ở cùng ba để đi học cho tiện. Tôi cứ đứng ở hành lang ngóng chừng giờ anh ra chơi, thấy anh bé xíu chạy lăng quăng từ phòng học ra ngoài, rồi anh và nhóm bạn rủ nhau chạy xuyên qua công viên để chơi (hồi đó xe cộ cũng ít). Rồi tôi tiếp tục ngóng anh giờ tan học, thấy anh vai đeo cặp, đi băng băng qua đường, qua công viên, rồi qua đường và tiến lên phòng ba, tôi nghĩ anh thật dũng cảm. Đúng ra là do con mắt bé thơ nhìn gì cũng hóa ra rất vĩ đại, chứ sau này về lại, tôi thấy từ nơi ba ở đi qua trường tiểu học rất gần, cái công viên giữa trường và Sở Tư pháp thì chỉ bằng cái vòng xoay.


Sa Đéc còn là kỷ niệm khó quên giữa tôi và ba. Đó là lần đầu tiên, cuối cùng và duy nhất tôi được ba cõng trên lưng. Chuyến đó má qua Sa Đéc khám bệnh, rồi má phải ở lại để chờ mổ. Ba đưa tôi về lại nhà vì tôi còn phải đi học. Ba không dắt tay tôi như má, mà cõng tôi trên lưng, chắc để đi cho nhanh. Trên tay tôi cầm một bịch nước đá lấy từ tủ lạnh của ba, nước đá lạnh rớt xuống lưng áo ba, tôi điếng người, sợ ba rầy. Ngồi trên lưng ba, tôi ngoái lại thấy má đang đứng trên hành lang đưa tay vẫy vẫy. Tôi muốn khóc hết sức, nhưng gắng ghìm lại. Cảm giác của con bé 6 tuổi vẫn còn rất rõ ràng trong tôi. Vừa sợ ba, lại vừa sung sướng hạnh phúc.


Tôi quay lại Sa Đéc nhiều lần khi tôi lớn; hay vòng xe ngang con đường nơi ba tôi ở hồi xưa, lần nào cũng ngó lên lầu hai, coi có con bé nào ngó xuống đường giống như tôi không. Bến tàu Mỹ Hiệp - Sa Đéc đã mất lâu rồi. Đường bộ thông thương, giờ còn ai mà đi tàu nữa.


Thời gian đã xưa, rất xưa, mà Sa Đéc vẫn chìm lắng trong tôi rất gần gụi, thân thương dù tôi chưa bao giờ là cư dân ở đó.


MINH PHÚC

(Theo Tuổi trẻ)

Related Posts with Thumbnails