15/2/09

Làng hoa Sa Đéc ở Sài Gòn

Bà Tư Xích cầm điện thoại gọi liên tục ở bến sông phường Tân Quy Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp. Bà đang điều hoa, cây cảnh cho những vựa hoa ở Phan Huy Ích, Gò Vấp, Sài Gòn. Bà Tư Xích là mẹ của ông Lê Hồng Khanh và bà Loan, những chủ vựa hoa Sa Đéc ở Sài Gòn. Gia đình bà có ba người con, đều lên Sài Gòn để mở “văn phòng đại diện” ở đây, tìm đầu ra cho hoa của miệt vườn sông nước này

“Lấy tận gốc”... bán tận ngọn

Trên đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, khoảng hai cây số có gần 30 vựa hoa. Ngoài những vựa nằm ở mặt tiền đường, chợ hoa ở đây nằm tập trung ở địa chỉ 1/10B, đường Phan Huy Ích. Những cư dân này là nông dân ở phường Tây Quy Đông, thị xã Sa Đéc mang hoa kiểng lên bán ở Sài Gòn.

Theo ông Khanh, khách hàng ở đây chủ yếu là khách vãng lai, nhưng người ở phố muốn chơi hoa cảnh, với giá rẻ, thì đây là địa chỉ mà họ tìm đến. Hoa Sa Đéc còn cung cấp cho những người bán hoa dạo, chở trên xe đạp những chậu móng tay, xương rồng, hoa trà, hoa cúc... đi khắp những con đường ở Sài Gòn. Những công trình trang trí, vựa bán hoa, cây cảnh ở quận 1, Phú Lâm, đường Thành Thái, quận 10 cũng mua hoa ở đây.

Những chủ vựa hoa này sống được là nhờ “lấy tận gốc, bán tận ngọn”. Mỗi chậu hoa, người bán chỉ lời từ 500 – 5.000đ, tuỳ chủng loại hoa kiểng. Họ trồng hoa ở vườn nhà Sa Đéc mang lên Sài Gòn bán, không qua một khâu trung gian nào, nên giảm được chi phí. Vườn nhà không đủ cung cấp, những chủ vựa hoa ở Sài Gòn là người Sa Đéc sẽ đi thu gom hoa của nông dân trồng hoa là láng giềng, bà con của mình.

Khát vọng đổi đời

Một trong những vườn hoa, kiểng sớm nhất được mở ra tại đây là vườn Kim Chi của bà Nguyễn Kim Chi, ở Tân Quy Đông, Sa Đéc. Gia đình bà Chi lên Sài Gòn từ năm 1998, ngụ tại đường Phan Huy Ích để mở vựa hoa. “Hồi đó mới lên Sài Gòn, tôi buồn lắm, cứ muốn về. Nhưng lúc đầu, lượng hoa kiểng bán rất chạy, có đồng ra đồng vô”, bà Chi tâm sự. Khoảng năm 1998, con đường này chỉ có vài vựa hoa, thời đó người muốn mua hoa kiểng với số lượng nhiều, họ phải xuống tới Sa Đéc. Với “văn phòng đại diện” này, khách hàng của bà có người ở tận Nha Trang, Phan Thiết, Bảo Lộc vào Sài Gòn để mua.

Vẫn còn bấp bênh...

Không được may mắn như những vựa hoa lâu năm ở đây, năm 2004, nông dân ở Sa Đéc “đổ xô” lên Sài Gòn mở vựa bán hoa. Gần 15 vựa ở “chợ” hoa, cây kiểng tập trung tại địa chỉ 1/10B, Phan Huy Ích thuê lại từ một chủ đất. Cứ mỗi lô đất thuê mở vườn có giá khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Trên miếng đất này, những ngôi nhà cấp bốn được che chắn tạm bợ để ở, và khoảnh sân trước nhà là nơi chứa hoa kiểng.

“Nếu không có tụi tui trên này, mấy ổng ở dưới đó bán kiểng cực lắm. Trồng năm, sáu tháng trời, thương lái tới trả vài ba chục ngàn đồng/cây. Xót lắm!” ông Khanh nói thêm, chính nhờ những vựa này làm đầu mối, mà đầu ra của hoa Sa Đéc tốt hơn.

Dân Sài Gòn mua kiểng ở chợ này có giá rẻ hơn từ 30 – 40%, so với những vườn kiểng khác ở trung tâm thành phố. Trung bình mỗi ngày, mỗi vựa ở đây, bán được khoảng từ 500 – 1.000 chậu hoa, kiểng các loại, tuỳ quy mô của vựa. Thông qua “chợ”, lượng hoa kiểng của Sa Đéc được bán ở đây lên đến 450.000 – 500.000 cây, hoa kiểng lớn nhỏ các loại.

Nông dân về phố mưu sinh vẫn luôn nặng lo toan. Điều mà những nông dân ở đây “sợ” nhất là ông chủ đất không cho thuê nữa, hoặc tăng giá thuê đất.

Theo Sơn Nghĩa (SGTT)

Chùa Phước Hưng

Phước Hưng Cổ tự là một trong những ngôi chùa cổ kính, khang trang, tọa lạc tại trung tâm thị xã SaĐéc. Chùa này do nhóm người Hoa thuộc hội Minh Hương đến đất SaĐéc sanh cơ lập nghiệp dựng nên cách nay hơn một thế kỷ để thờ Phật. Thời gian sau được đồng bào Hoa-Việt trùng tu lại đầy đủ và tiện nghi hơn, nay còn gốc hai chữ chùa Hương.

Chùa Hương đẹp rực rỡ, kiến trúc hài hòa giữa nội và ngoại thất. Chùa có 08 mái và 02 cấp, được lợp ngói âm dương tạo gợn sóng, chót mái lơi ra nhưng không quá nhọn và cong vút lên cao. Nóc và các bức phù điêu trên mái chùa được cẩn miểng gốm màu, tạo dáng hình long, lân, qui, phụng, ánh lên những sắc màu rực rỡ khi tiếp xúc nắng mặt trời.

Qua cửa Đông Lang để vào chánh điện du khách sẽ gặp hai câu đối nghe như âm vang chí nguyện của người xưa. Bên trong Đông Lang là phòng tiếp đón khách thập phương, kế đến là tổ điện gồm 05 gian bố trí 3 đường để chư tăng thọ trai mỗi ngày. Giữa tổ điện phía trong trai đường là bàn thờ chư liệt vị tổ sư và các vị trụ trì. Những di ảnh, linh vị đều nằm trong chiếc khánh bằng gỗ sơn son, thếp vàng chạm trỗ hoa văn rất sắc sảo. Trước tổ điện treo một bức hoành phi cạm trỗ rất công phu, giữa là 03 chữ Bát Nhã Đường nổi bật trên nền mai, lan, trúc, bướm, quạt, cuốn thư, giấy bút… Phía trái của chánh điện là Tây Lang vừa để tiếp tăng khách và cũng là nơi lưu giữ các sách kinh. Trước Tây Lang là một hồ sen trắng tỏa hương, sau là khu tháp mộ của các vị trụ trì.

Cách thức thờ phượng của chùa theo lối cổ, tôn nghiêm gồm hai bộ Tam Thánh Tây Phương cực lạc (Phật A-Di-Đà và Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí), đặc biệt có một pho tượng A-Di-Đà bằng đất sét thếp vàng có niên đại hơn trăm năm, không nung nhưng vẫn chắc chắn tới nay. Trong số các pháp khí có giá trị phải nói đến chiếc mõ tụng kinh chạm hình song ngư tuyệt đẹp và một chiếc mõ khác nặng khoảng 15kg được HT Vĩnh Tràng phát nguyện ra tận Hà Nội thỉnh về..

Sa Đéc hiền hòa, cây lành trái ngọt, nước sông trong mát, hoa kiểng thanh lịch. Có dịp về đây mời du khách đến với cổ tự Phước Hưng nằm trên đường Hùng Vương, con đường chính đẹp nhất giữa lòng thị xã.

Theo Dongthap.com.vn
Related Posts with Thumbnails