7/8/08

Làng bánh phồng bên dòng Sa Giang


Sa Giang là tên được người Sa Đéc xưa gọi dòng sông chảy ngang qua thị tứ sầm uất của xứ sở này. Nhiều sách xưa ghi lại rằng, Sa Đéc là vùng đất được lưu dân phương Nam tìm đến lập làng khá sớm bởi nơi đây được thiên nhiên ưu đãi...

Sa Giang là tuyến giao thương đường sông quan trọng nối liền sông Hậu với sông Tiền, nối Sa Đéc với các trung tâm kinh tế lớn phía Bắc sông Hậu và TPHCM, góp phần phát triển nhiều mặt của Sa Đéc ngày nay…

Các thành phần nguyên liệu sau khi được trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi vải hình ống dài và đưa vào nồi hấp chín nhiều giờ

Theo các sách về lịch sử tỉnh Đồng Tháp thì “ …Khi Gia Long lên ngôi, Sa Đéc là một phần của huyện Vĩnh An. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, khu vực Bắc sông Tiền là Tân Châu, Hồng Ngự xuống đến Sa Đéc được Gia Long qui hoạch thành trung tâm kinh tế. Suốt một thời gian dài sau đó, chợ ở Sa Đéc sung túc nhất Đồng bằng sông Cửu Long… ”. Sông Sa Đéc, một tuyến giao thông đường thủy quan trọng bậc nhất thời đó thường được gọi là Sa Giang…

Các cây bột được cắt thành những lát mỏng thật đều và đem phơi khô …

Có lẽ, vì xuất phát từ vùng đất bên bờ Sa Giang nổi tiếng từ xưa, nên ngày nay, trên nhiều thương hiệu hàng hóa hoặc sản phẩm thủ công truyền thống, người Sa Đéc rất thích đặt tên gắn liền với cái tên Sa Giang, trong đó, nổi bật và độc đáo nhất có lẽ là loại bánh dân gian truyền thống mang tên “Bánh phồng tôm Sa Giang”... Bánh phồng tôm Sa Giang được chế biến từ bột khoai mì tinh chế cộng với tôm xay nhuyễn và gia vị sao cho vừa ăn. Các thành phần nguyên liệu sau khi được trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi vải hình ống dài và đưa vào nồi hấp chín nhiều giờ. Sau đó, những cây bột này sẽ được cắt thành lát mỏng thật đều và đem phơi khô… Bánh sau khi chiên phồng đều, giòn, thơm mùi tôm rang và đặc biệt là có vị cay nồng của tiêu hột…

Để đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, hiện nay, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang đã đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất bánh phồng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với nhiều sản phẩm mới, tạo thương hiệu “Bánh phồng Sa Giang” trên thị trường trong và ngoài nước. Con tôm nước ngọt, bàn tay khéo léo và sự cần cù chịu khó của bà con làng nghề đã lưu giữ nghề làm bánh phồng Sa Giang ngót nghét trăm năm và đã trở thành một nghề truyền thống thật độc đáo...

Ngày nay, bánh phồng tôm luôn hiện diện trong ẩm thực của mọi gia đình người dân Nam bộ, góp phần làm phong phú thêm hương vị những món ăn vốn đã đặc sắc của người phương Nam… Đến với làng nghề, chúng ta luôn trân trọng những sáng tạo của bà con trong việc gìn giữ và phát triển làng nghề… Mong rằng bà con sẽ làm giàu với nghề truyền thống của mình và thương hiệu bánh phồng Linh Giang, Trương Giang hay Sa Giang… sẽ vươn xa hơn nữa trên thị trường ẩm thực thế giới…

Quách Nhị

(Nguồn: www.vinhlongtv.com.vn)

Nghề làm bột ở Sa Đéc

Thị xã Sa Đéc là một trong những đầu mối trung chuyển lương thực lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và là địa phương nổi tiếng với làng nghề làm bột gạo. Hình thành và phát triển từ nửa thế kỉ nay, có lẽ do điều kiện tự nhiên thuận lợi : nguồn nước ngọt quanh năm, thổ nhưỡng, thời tiết phù hợp nên sản phẩm bột gạo ở đây có những giá trị riêng, khó có nơi nào sánh kịp.

Với trên 2000 lao động và sản lượng trên 30.000 tấn bột gạo/năm, làng bột Sa Đéc là nơi cung ứng chủ yếu cho nhu cầu tiêu thụ của TP.HCM và khắp vùng Đông, Tây Nam Bộ, xuất khẩu ra cả các nước Đông Nam Á.

Sản phẩm bột gạo ở đây được chia thành 2 loại : bột tươi, ướt, được cung cấp trực tiếp cho các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm; bột khô dùng để dự trữ, chế biến dần. Từ bột gạo, người ta chế biến ra hàng chục mặt hàng thực phẩm rất hấp dẫn, không thể thiếu trong đời sống hằng ngày như phở, hủ tiếu, bún, các loại bánh, các sản phẩm ăn liền…

Bột lọc Sa Đéc còn nổi tiếng với bí quyết sản xuất gia truyền, độc đáo. Các thực phẩm được chế biến tử bột lọc Sa Đéc có chất lượng tuyệt vời, dai mà mềm, thơm ngon đặc trưng, khiến bạn ăn một lần nhớ mãi. Chính vì thế mà hủ tiếu Sa Đéc – một trong những món ăn được làm từ bột gạo Sa Đéc- từ lâu đã là đặc sản nổi tiếng, đến nay vẫn luôn được mọi nguời ưa chuộng với sợi hủ tiếu có độ dai vừa phải, kết hợp với nước lèo thơm lừng, ngọt đậm đà.

Hiện nay, nhà máy bột Bích Chi ở số 45 quốc lộ 80 thị xã Sa Đéc là nhà máy sản xuất bột lớn nhất tại Đồng Tháp, với sản phẩm mang nhãn hiệu “bột Bích Chi” đã có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước từ những năm trước 1975. Công suất hiện tại của nhà máy là 1200 tấn bột và 3000 tấn ngũ cốc/ năm. Đóng ở địa thế thuận lợi, nằm trong vùng nguyên liệu dồi dào cùng với đội ngũ công nhân lành nghề, nhà máy bột Bích Chi đang xúc tiến việc liên doanh với các đối tác đầu tư trong và ngoài nước nhằm đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao công suất, đưa thương hiệu “bột Bích Chi” đứng vững và tiếp tục khẳng định tên tuổi trên thị trường trong nước và thế giới.

(Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử Tỉnh Đồng Tháp)
Related Posts with Thumbnails