16/11/07

Đời này ta còn được gặp bố mẹ mấy lần?

Đêm qua, tắt TV xong lên giường nằm đọc sách nhưng chẳng vào. Bật điện thoại nghe FM, tình cờ nghe được một câu chuyện khiến ta giật mình tự hỏi: Đời này ta sẽ còn gặp bố mẹ mình bao nhiêu lần nữa? Có người mỗi năm chỉ về thăm bố mẹ được một lần. Nếu bố mẹ còn sống được 20 năm nữa thì họ cũng chỉ được gặp 20 lần.

Nhưng với nhiều người, bố mẹ có thể còn sống trên đời này khoảng 10 năm nữa thôi, vậy là chỉ còn 10 lần gặp mặt bố mẹ. Khoảng thời gian bố mẹ còn trên đời này của mỗi người có thể ngắn hơn nữa; chắc có người trong chúng ta không dám nghĩ tiếp!Chủ đề mà chương trình phát thanh đưa ra trò chuyện cùng thính giả xoay quanh câu chuyện của một chàng trai từ miền quê tới thành phố xa xôi lập nghiệp. Sau khi học xong, anh ở lại thành phố và bắt đầu đi làm. Rồi thời gian trôi đi; 5 năm liền anh không về quê thăm bố mẹ được một lần.Mới đây, anh đón được bố mẹ mình đến sống cùng mình ở thành phố thì không lâu sau, người mẹ được phát hiện là bị ung thư giai đoạn cuối. Theo lời bác sĩ, thời gian cho mẹ anh chỉ còn khoảng 1 năm, và khoảng thời gian đó đang từ từ ngắn lại khi mỗi ngày trôi qua... Giờ đây, ngoài lúc đi làm, anh dành tất cả thời gian còn lại để ở bên mẹ mình. Anh nhớ lại tất cả những gì mà bố mẹ đã dành cho anh từ thuở ấu thơ và nhận ra rằng mình thật có lỗi với bố mẹ. Lúc này, anh mới thấy được sự quý giá của những khoảnh khắc được ở bên bố mẹ mình.

Trên đất bạn (Trung Quốc) mà sao nghe câu chuyện lại thấy giống với cuộc sống đang diễn ra trên quê hương mình đến vậy! Đời này ta sẽ còn được gặp bố mẹ mình bao nhiêu lần? Chàng trai kia cũng sẽ giống như đa số chúng ta. Nếu như mẹ anh không lâm bệnh nặng, cuộc sống cứ đều đều trôi qua thì anh cũng chẳng thể nào nhận ra được những gì quý giá đang dần rời bỏ mình. Xã hội không ngừng phát triển, cuộc sống ngày càng nhiều áp lực. Mỗi người đều mải lo cho sự nghiệp và cuộc sống bề bộn của mình: Bàn chuyện làm ăn, tìm kiếm cơ hội, quan hệ xã hội, thù tiếp khách khứa bạn bè, rồi học thêm cái này cái kia...

Nhiều người ở xa quê, mỗi năm chỉ về thăm bố mẹ được một vài lần. Nhưng cũng có người sống gần bố mẹ ngay trong cùng một thành phố mà cũng chẳng có thời gian tới thăm bố mẹ được vài lần trong năm. Chúng ta có thực sự là bận đến mức không còn thời gian để giành cho bố mẹ mình không? Có phải như thế thật không nhỉ? Nhớ có lần bạn tôi cũng đã hỏi: "Mỗi năm anh về thăm bố mẹ được mấy lần?". Nhưng lúc đó tôi cũng không để tâm, chỉ trả lời là "hai, ba lần gì đó" rồi chẳng nghĩ ngợi gì nữa.

Mới đây thôi, ngồi trò chuyện cùng anh giám đốc công ty, anh ấy bảo "các cụ cứ thích tất cả các con ở loanh quanh đâu đấy không xa nhà mình để khi muốn là gặp được ngay mới thoả". Tôi nghe xong cũng cười đồng ý rồi chẳng nghĩ ngợi gì nữa. Lúc trước tôi chẳng hiểu sao cứ mỗi dịp có một trong 3 anh em về thăm nhà là y như rằng, mẹ tôi lại hỏi sao cả mấy đứa không cùng về, hay là "chúng nó bận việc không về được à?". Tôi chỉ cười mẹ tôi sao hay "thắc mắc" vậy, rồi cũng chẳng nghĩ ngợi gì nữa... Còn bây giờ thì tôi cũng đang nghĩ: Đời này mình còn được gặp bố mẹ bao nhiêu lần?

Theo Thái Lộc An Khang'sblog & heo con' s blog)

11/11/07

Gửi Sadec Friends

Lau lam roi moi ghe tham blog cua Sadec. Thu that tu luc khai truong den gio so lan ghe tham cua minh chi dem tren 1 ban tay. Lan nay ghe vao tham thay toc do phat trien cua blog nhanh that. Danh sach friends bay gio ngoai cac "quy su" 12T_2001 ra con co cac anh chi em cua cac khoa khac nua. Thong tin "thoi su" duoc truyen tai tren blog vo cung phong phu. Doc cac tin tuc moi thay minh nhu nguoi tu cung trang roi xuong.. nhung su kien da xay ra cach day may thang troi gio minh moi doc.. Tu hua voi blog se vao tham thuong xuyen hon..

5/11/07

HAPPY BIRTHDAY TO YOU...

Hồi cấp II, lớp tôi xuất hiện nhiều biệt danh thật vui như: Bò con,Gà con,Đại bàng...Trong đó có Bắp. Tôi nhớ lúc mới vào lớp sáu, Ngọc Sương được phân công làm lớp trưởng. Trong một lần ghi tên danh sách, Sương ghi là Ngô Phú Hiệp, không hiểu Sương ấn tượng điều gì đó và luôn đổi họ của Hiệp là Ngô thay vì Nguyễn. Khi phát hiện ghi sai, chúng tôi cười rôm rả một trận và lúc đó còn bình luận rằng Ngô Phú Hiệp hay hơn Nguyễn Phú Hiệp. Đó là nguyên nhân biệt danh Bắp ra đời.

Hôm nay, nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 24 của Ngô...í lộn: Nguyễn Phú Hiệp, Sadecfriends chúc Hiệp ngày càng thành công trong công việc & cuộc sống và sẽ có những giấc mơ có thật (chẳng hạn có 1 giấc mơ được chia sẽ trong blog H - nếu có ngày thành sự thật thì nhớ dẫn Sadecfriends đi du lịch vài chuyến nhe!)

12/10/07

Tiếp tục về hủ tiếu Sa Đéc

Góc đường Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương có quán hủ tiếu nổi tiếng. Chủ nhân của nó là một nghệ sĩ sân khấu điện ảnh của miền Nam - bà Năm Sa Đéc, người bạn đời của học giả Vương Hồng Sến. Khoảng đầu năm 1973, bà Năm mở quán hủ tiếu với hương vị đậm đà bản sắc Sa Đéc. Quán được bày trí tre lá theo phong cách "văn minh miệt vườn" giữa lòng Sài Gòn. Ngồi trong quán có thể phóng tầm mắt nhìn ra nhiều hướng thuộc những con đường huyết mạch của vùng quận 10, Sài Gòn.

Hủ tiếu ở đây hoàn toàn khác với hủ tiếu của mấy "Chú Ba" trong Chợ Lớn. Sợi bánh mềm mà không bở, cũng không dai, vị bánh không chua, hương bánh thơm mùi gạo mới, trắng tươi màu sữa. Có người kháo nhau rằng, bánh hủ tiếu được bà Năm lấy từ làng bột Tân Phú Đông mỗi ngày, do cánh xe đò Sa Đéc - Sài Gòn chuyển tới. Người ăn có thể gọi hủ tiếu thịt hoặc hủ tiếu xương tùy thích, mà xương hay thịt thì cũng mềm và có mùi thơm đặc biệt không như những nơi khác. Cái mùi thơm ấy là do tay nghề của bà Năm khi chế biến và đun nấu ở một nhiệt độ thích hợp cho nồi "xí quách" (còn gọi là nước lèo, nước dùng). Khi tô hủ tiếu được bưng ra, mùi thơm ngào ngạt, thực khách có thể gia giảm nào là nước mắm, nước tương, dấm đỏ, chanh, ớt, giá nhúng nước sôi hay giá sống thì tùy mà vẫn không đánh mất hương vị độc đáo của tô hủ tiếu Sa Đéc chính hiệu này.

Bây giờ, quán hủ tiếu ấy vẫn còn nhưng đã đổi chủ, thay tên.Sa Đéc còn có một tập đoàn hủ tiếu gõ, họ có một đội ngũ gần 20 người với năm, 6 xe đẩy, bán chủ yếu về đêm và có phân chia khu vực hẳn hoi, liên minh chặt chẽ. Nhờ hợp tác trong việc mua thịt, bánh, gia vị, nên giá thành hạ, tô hủ tiếu có giá rẻ đến bất ngờ. Giữa khuya, ngồi tại nhà nghe tiếng lóc cóc, muốn ăn hủ tiếu sẽ được mang đến ngay, nóng hổi, nghi ngút khói. Người Sài Gòn ngày nay vẫn đến những quán hủ tiếu Sa Đéc để tìm hương vị tuyệt vời vượt thời gian. Sẽ là một thiếu sót nếu du khách về miền tây Nam Bộ mà không ghé qua Sa Đéc, thưởng thức tô hủ tiếu của một vùng quê sông nước từng mệnh danh văn minh miệt vườn.

(Theo VnExpress)

30/9/07

Hủ tiếu vò viên Sa Đéc

Sa Đéc là một trong những nơi sớm hình thành nền văn minh miệt vườn của vùng đất Nam Bộ. Vì vậy, nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa mang tính đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long. Trong đó ẩm thực ở Sa Đéc được xem là một dấu ấn văn hóa về truyền thống của vùng đất Nam Bộ này.

Sa Đéc cũng là một địa danh có nhiều món ăn ngon được lưu truyền vượt thời gian như: lẩu bò, hủ tiếu Sa Đéc, nem, chả lụa.... Đặc biệt hủ tiếu ở đây đã vang danh gần như khắp nước. Nó được những người sành ăn, các nhà nghiên cứu thừa nhận sau khi đã thưởng thức nó trong một vài lần. Nhưng ở Sa Đéc còn có một thứ hủ tiếu nữa ít thấy ai nhắc đến mà lại rất ngon, đó là hủ tiếu vò viên. Tại sao lại gọi là hủ tiếu vò viên? Bởi đơn giản khi ăn tô hủ tiếu này, thực khách chẳng thấy thịt đâu cả, mà chỉ thấy viên bò thôi.

Cứ độ khoảng 6 giờ chiều mỗi ngày, cứ việc ghé qua chợ thực phẩm Sa Đéc, thưởng thức thử một tô hủ tiếu vò viên ắt hẳn thực khách sẽ hài lòng. Bởi hủ tiếu vò viên ở đây rất ngon, mà cái ngon đó được tổng hợp từ các thứ: nước xúp, bò vò viên, và cả từng sợi hủ tiếu nữa. Về hủ tiếu Sa Đéc thì khỏi phải nói, nó đã có một chỗ đứng vững vàng trong lòng thực khách từ bao năm qua. Sợi hủ tiếu Sa Đéc khi nấu chín thì có độ dai vừa phải làm cho thực khách khi ăn cảm nhận được cái ngon của từng sợi hủ tiếu. Còn vò viên ở Sa Đéc có độ dai vừa phải, khi ăn có vị thơm, ngọt, hơi cay, phảng phất mùi bò. Khi cắn vào một miếng bò vò viên ở Sa Đéc thực khách lập tức có sự so sánh giữa viên vò nơi đây và nơi khác, và sẽ không tiếc lời khen là, sao ngon quá.

Đến phần nước xúp thì đích thực là do bản lĩnh của từng người nấu. Sở dĩ nước xúp ở đây ngon, ngoài tài nghệ nêm nếm còn có một bí quyết khác, đó là xương bò. Người ta mua xương bò về nấu, nên nước ở đây rất ngọt và thơm, không hề có vị ngọt của bột ngọt. Sau khi bán gần hết hủ tiếu, phần xương bò này, có dính ít thịt được người bán vớt ra bán riêng cho những người mua nước xúp về ăn với bánh mì trong mỗi đêm. Vì nước xúp ngon nên phần xương bò này bán không rẻ. Ai muốn ăn xương bò thì ít nhất phải dặn trước ngay từ buổi sáng, khoảng 9 giờ tối đến lấy mới có.

Vì là ngon nên hủ tiếu ở đây rất đông khách, người bán không kịp trở tay, muốn được ăn bạn phải ngồi chờ, và chính sự chờ đợi của bạn càng góp phần làm cho tô hủ tiếu thêm ngon.Nếu có dịp nghỉ đêm ở thị xã Sa Đéc, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức một tô hủ tiếu vò viên ở đây, vì nó ngon không chịu được. Nhất là đang đêm đói bụng được thưởng thức một tô hủ tiếu ở đây thì còn gì bằng. Người bán sẽ bưng ra cho bạn một tô hủ tiếu nóng hổi, thơm lừng. Trong tô chỉ có nước xúp, hủ tiếu, bò vò viên. Phía trên tô hủ tiếu có để vào cọng rau thơm, chút ngò xắt nhuyễn, một ít giá, và kế bên là một chén tương xay để bạn chấm, cùng với một đĩa ớt và chanh. Chỉ có vậy mà ngon tuyệt vời…!
(Sưu tầm)

19/9/07

Hoa vàng mấy độ

Có lẽ tiêu đề này không được hợp lắm so với nội dung bài viết của tôi nhưng biết làm sao được vì tôi trót yêu những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Thôi thì mong rằng ông sẽ thấy vui.

Ngày học lớp sáu đầu tiên của tôi ấm áp kỳ lạ vì sự hiện diện của một người, một người đã làm cho những tháng ngày cấp sách đến trường của lũ học trò chúng tôi trở nên ý nghĩa biết chừng nào. Đó là cô giáo dạy văn của tôi, cô Bùi Thị Sại. Trong blog của bạn tôi, Phú Hiệp, bạn ấy đã dành cho cô những tình cảm thật là trìu mến nhưng vì tôi không thể không viết về cô.

Ngày đầu tiên tôi được cô đề cử làm lớp trưởng, chuyện này qua đã rất lâu, chắc các bạn học của tôi không ai còn nhớ. Bởi vì khi có danh sách lớp chủ nhiệm trong tay cô đã hỏi thăm tất cả những đồng nghiệp tiểu học của mình nên cô chọn tôi. Tôi không có thành tích gì nổi bật hơn các bạn nhưng có lẽ giáo viên tiểu học đã dành cho tôi những lời quá ưu ái. Còn nhớ, lớp chúng tôi là lớp chuyên toán, các bạn tôi đều là những học sinh rất xuất sắc. Từ hồi tiểu học tôi học theo chương trình thực nghiệm của giáo sư Hồ Ngọc Đại nên khi vào cấp 2 để theo kịp các bạn môn toán tôi đã rất vất vả. Nhưng tôi đã không thể làm tốt vai trò của mình, tôi cảm thấy thiếu tự tin nên đã xin từ chức và đề cử bạn Hoài Nam, một người bạn mà sau này đã dẫn dắt lớp tôi rất tốt mặc dù tôi đã chọc phá bạn ấy rất nhiều lần. Trong suốt những tháng ngày đó cô đã luôn bên cạnh tôi

Cô rất yêu màu vàng. Những ngày đầu đến lớp cô có rất ít áo dài nhưng tất cả đều màu vàng, màu vàng rực rỡ như hoa cúc vào thu. Và những bài giảng văn của cô đi vào lòng người nhẹ nhàng mà sâu lắng, êm đềm mà sắc sảo. Dù là lớp chuyên toán nhưng chúng tôi chưa bao giờ gặp khó khăn trong môn Văn nếu không muốn nói là học văn rất tốt. Lớp tôi có nhiều bạn xuất sắc như bạn Phú Hiệp, Hoàng Lan, ...Lồng trong bài học của mình, cô cho chúng tôi tham gia rất nhiều hoạt động bổ ích. Tôi nhớ có một lần cô tổ chức buổi thuyết trình với chủ đề : Văn học là nhân học. Thuyết trình có minh họa. Lớp tôi chia làm 4 tổ, mỗi tổ bốc thăm một tác phẩm văn học, tổ tôi là bài thơ "Ông đồ". Những ngày chuẩn bị thật sự như một kỳ hội hè với bọn học trò chúng tôi. Nào là viết bài, nào là phân vai, nào là lo đạo cụ.... Ông đồ thì phải mặc áo dài rồi, được,về mượn của ông, nghiên mực, giấy đỏ, vẫn mượn. Nhưng ly kỳ nhất vẫn là cành đào. Mẹ của Hồng Vân lúc đó dạy ở trường tiểu học Trưng Vương nên đã xin cho chúng tôi một nhánh hoa anh đào thật đẹp. Lúc đó Minh Duy đã phải huy động mấy bạn để đem cành đào đó vô trường. Ngày lớp tôi thuyết trình, chỉ 2 tiếng nhưng như là một ngày hội thật sự, vô cùng nghiêm túc, bạn nào mặt cũng rạng ngời vì đây là thành quả chung của tập thể mà. Ông đồ của tổ tôi là bạn Phát (sau này bạn bị chết đuối để lại một nỗi mất mát lớn cho tập thể lớp tôi) khom lưng đi ra trong bộ áo dài ngồi lặng lẽ vẽ bùa gì đó dưới cành anh đào trong giọng thuyết trình đều đều của tôi. Sau phông màn, Vinh lùn quăng lá khô ra cho thêm vẻ hoang vắng nhưng nó không thấy gì hết với lại đứng nhón chân mỏi quá nên lá rụng gì mà cứ rơi từng chùm xuống đầu ông đồ làm từng mảng phấn trên tóc bay tùm lum.

Còn tổ trình bày tác phẩm "Chiếc lá cuối cùng" của O Henry thì cũng ấn tượng không kém. Bạn Tưởng vừa đi vừa ho sù sụ vừa leo lên cái thang để vẽ hình chiếc lá nhưng mái tóc đầu đinh thì vuốt keo cứng ngắt.....

Những buổi học của chúng tôi không bao giờ là đủ tiết, cứ muốn kéo dài ra mãi, ra mãi. Cô ơi giảng bài nữa đi cô. Rồi những hôm cô nấu chè đậu xanh cho cả lớp tôi ăn. Nhà cô lúc đó hẹp hơn bây giờ, từng đứa học trò xúm xít líu ríu nhau giành muỗng như một bầy gà con, còn cô sao giống một bà mẹ hiền đến thế.

Học văn với cô, chúng tôi không chỉ học những bài phân tích sáo rỗng mà những giờ lên lớp đó chan chứa tình thương. Mỗi

lần buồn chúng tôi, cô thường hay khóc. Giọt nước mắt lặng lẽ của cô làm chúng tôi cũng rưng rưng. Cô sống nhiệt thành và đa cảm. Có lần cô đi xa về bị trễ xe. Có một bác tài xế tốt bụng cho cô quá giang. Mấy hôm sau cô viết bài lên báo địa phương cám ơn bác. Tôi còn nhớ bài đó : Sáng mãi niềm tin. Từ đó về sau, bất kể đi xe gì nhưng tôi không bao giờ quên cám ơn bác tài xế.

Sau này dù chúng tôi đã có được may mắn học với những giáo viên giỏi khác của trường nhưng cô thì vẫn luôn là người mẹ hiền của lớp chúng tôi. Học cực quá : cô ơi! Sắp thi rồi : cô ơi! Và chuyện vu buồn gì cô đều biết hết. Cuối năm lớp 12, tôi có một chuyện buồn lớn, cô đã vào nhà rủ tôi đi ăn, như 2 người bạn, cô không nhắc gì đến nó cả, cô chỉ kể tôi nghe thật nhiều chuyện vui và nắm tay tôi thật chặt. Niềm tin đến với tôi từ giây phút đó. Và tôi đã vượt qua. Có lẽ các bạn của tôi cũng có nhiều những kỷ niệm riêng với cô như thế nhưng nguồn động viên đó với tôi là vô giá. Và cô ơi, con có thật nhiều điều muốn nói với cô.

Sau này, cô là một giáo viên rất nổi tiếng và thành đạt. Cô đã có rất nhiều áo dài nhưng màu áo vàng của cô luôn hiện diện trong tâm trí của tôi. Màu vàng ấy phải chăng là màu hoa vào thu, phải chăng là màu hoa điệp sân trường, ....

Cô làm rất nhiều thơ nhưng có một bài cô làm tặng chúng tôi mà không đứa nào là không nhớ. Bài thơ rất dài nhưng xin lỗi cô, con không còn nhớ hết, chỉ biết những khi nhớ về trường, về lớp là bài thơ này lại vang lên trong tâm trí. Bạn Hiệp đã có chép về bài thơ này nhưng để kết, tôi xin chép lên đây, mong rằng bạn nào đọc được sẽ thấy vui.

Em thường hỏi vì sao cô hay khóc
Cô khóc vì đã quá yêu em
Một năm qua với bao kỷ niệm êm đềm
Nay bỗng chốc sao dứt tình cho được
Cô yêu phút suy tư giàu mơ ước
Khi em thả hồn đến tận trời xa
Qua bài giảng văn câu tục ngữ khúc dân ca
Cô vui sướng khi em thấy quê hương mình đâu đâu cũng giàu cũng đẹp
Buồn làm sao khi em không chăm học
Bài học không cần bài tập chẳng chuyên
Em có biết đâu bao nỗi ưu phiền
Đang lắng đọng đáy lòng cô sâu thẳm
....
(Nguồn: bobo's blog)

3/8/07

Bánh phồng tôm Sa Đéc

Nói về đặc sản miền Tây, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến bánh phồng tôm Sa Giang. Hằng năm, con sông Tiền thơ mộng đã cung cấp cho Sa Đéc một lượng tôm cá dồi dào, nguyên liệu chính của bánh phồng tôm Sa Giang nổi tiếng khắp trong và ngoài nước.

Từ con tôm nước ngọt như tôm tích, tép mòng, tép ròng… qua bàn tay chế biến khéo léo của con người đã trở thành bánh phồng tôm Sa Giang, sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương Đồng Tháp. Bánh được làm từ bột, thịt tôm xay nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ. Các thành phần nguyên liệu sau khi trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi vải dạng hình ống dài. Sau khi hấp chín, người ta cắt ra từng lát tròn mỏng rồi đem phơi khô. Đem chiên giòn với dầu ăn nóng, bánh sẽ nở to ra, có độ giòn, xốp, béo ngậy. Những chiếc bánh tròn vành vạnh ngả màu vàng đục tựa như ánh trăng rằm, có hương vị nồng thơm, cay cay, đậm đà văn hoá ẩm thực của dân tộc sẽ khiến bạn ăn rồi lại muốn ăn thêm chiếc nữa…Có lẽ vì vậy mà trên những bàn tiệc, liên hoan, lễ tết… đĩa bánh phồng tôm thường được đặt ở trung tâm mâm cỗ.

Nổi tiếng là món ăn đặc sản nên từ bánh phồng tôm Sa Giang, các sản phẩm bánh phồng tôm ở Sa Đéc ngày nay đều được các nhà sản xuất lấy chữ “Giang” đặt cho sản phẩm như bánh phồng tôm Linh Giang, Trương Giang, Trung Giang, Vĩnh Giang…; có khả năng cung cấp cho thị trường hơn 2.000 tấn bánh phồng tôm/ năm.

Hiện nay, công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang, tiền thân là xưởng sản xuất bánh phồng tôm Sa Giang đã đầu tư sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới, đa dạng như : bánh phồng cá, bánh phồng mực, bánh phồng cua v.v… được người tiêu dùng ưa chuộng về chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Thương hiệu “Sa Giang” đang khẳng định tên tuổi và ngày càng lớn mạnh với 80% thị phần trong nước và tiếp tục có mặt tại các thị trường châu Á, Tây Âu, Mỹ…

1/4/07

Trí Ngô ở Việt Nam

Xin gởi đến các bạn một số hình ảnh đi chơi cùng Trí Ngô trong lần về nước năm rồi. Những hình ảnh này đã đuợc gởi lên hộp thư sadecfriends trước đây nhưng do dung lượng file khá lớn nên phải cắt ra thành nhiều phần; do đó có nhiều bạn chưa xem được do chưa quen với những thao tác nối file lại. Bây giờ chúng ta hãy cùng xem lại những hình ảnh này và cùng ôn lại những kỷ niệm thật đáng nhớ nhé.




24/3/07

Hủ tiếu Sa Đéc


Đã từ lâu có 3 thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng nhất ở các tỉnh phía Nam, đó là: Mỹ Tho, Nam Vang và Sa Đéc. Tuy không nổi đình nổi đám bằng hai "bậc đàn anh", nhưng hủ tiếu Sa Đéc vẫn có một giá trị đặc biệt trong lòng người sành thưởng thức món ngon.


Bánh hủ tiếu Sa Đéc sợi vừa phải, mềm mà không bở, không dai, vị không chua, thơm mùi gạo mới, trắng tươi màu sữa. Bánh hủ tiếu Sa Đéc làm nên hủ tiếu Sa Đéc. Nước lèo hủ tiếu Sa Đéc được nấu công phu với xương heo, phải thăm chừng độ lửa, phải biết hớt bọt mới trong và tỏa thơm hương vị, cũng là một bí quyết.


Nguyên liệu quan trọng khác của hủ tiếu Sa Đéc là thịt nạc băm, thịt nạc nguyên miếng dày, miếng chả vàng, tim, gan, phèo... đều mới "ra lò", còn nóng ấm. Điểm xuyết nét đẹp mắt và ngon thơm miệng lưỡi cho tô hủ tiếu Sa Đéc có hành lá xắt nhuyễn, mấy cọng ngò, nhất là sự hiện diện của "tăng xại" - cải xắt nhỏ ướp hương vị đặc trưng của người Hoa. Bên cạnh tô hủ tiếu là dĩa giò cháo quẩy, dĩa rau tươi (giá, hẹ cắt đôi, cần tàu và xà lách), chén nhỏ xì dầu, lọ ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Trước năm 1975, ở Sa Đéc có các quán hủ tiếu nổi tiếng là: Quán chú Cá, Chí Thành, Lãnh Nam (đường Trần Hưng Đạo).


Trước năm 1975, hủ tiếu Sa Đéc có mặt tại Sài Gòn, do một nữ nghệ sĩ lấy sinh quán và thứ của mình làm nghệ danh: Bà Năm Sa Đéc. Quán hủ tiếu của bà Năm Sa Đéc nằm ở góc đường Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương, bày trí bằng tre lá theo phong cách "văn minh miệt vườn".


Bánh hủ tiếu của bà được lấy từ làng bột Tân Phú Đông mỗi ngày, do cánh xe đò Sa Đéc - Sài Gòn chuyển tới. Khách có thể gọi tô hủ tiếu xương hoặc thịt. Dù là xương hay thịt thì đều mềm và có hương vị đặc biệt không đâu có. Hương vị ấy là do tay nghề của người nữ nghệ sĩ tài ba này nêm nếm. Bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc, quán của bà còn bán bánh bao làm theo công thức mà ngày xưa ông Cả Cần ở Long An ưa chuộng, được người ta gọi là bánh bao Cả Cần.


Ngày nay, hủ tiếu Sa Đéc bình dân nhưng ngon bán ở gần Trại hòm Sáu Lâu (đường Trần Phú); cầu Đình, cầu Đốt, khoảng 6.000 đồng/tô. Bình dân nhất là quán chị Dậu ở đường Nguyễn Tất Thành, nơi có cây vú sữa, qua cầu ván bắc ngang con kinh. Hủ tiếu chị Dậu được nhiều người tìm đến thưởng thức vì xương mềm, đặc biệt nước lèo ngọt xương (vì chị tuyệt đối không dùng bột ngọt).


(Theo Thanh Niên)

7/2/07

Làng hoa Sa đéc vào mùa Tết

Cùng với những loại hoa truyền thống như hồng, cúc, vạn thọ..., làng hoa Sa Đéc đã ươm trồng được thêm những loại hoa, kiểng mới hấp dẫn như mai dạ thảo, xương rồng Vạn lý trường thành, hoa hồng thiên hương, hoa ngọc mai...

Năm nay nhiều nơi thất mùa hoa nên hoa Sa Đéc càng có giá. Những ngày này, hoa Sa Đéc đang lên xe đò và ghe, xuồng để vận chuyển lên TP.HCM, thị trường tiêu thụ lớn nhất, đón tết.


Làng hoa Sa Đéc có diện tích trên 250ha với gần 2.000 hộ làm nghề. Ở đây có trên 1.000 chủng loại hoa, mỗi năm xuất đi các tỉnh, thành và cả sang Lào, Campuchia và Trung Quốc trên 10 triệu sản phẩm, doanh thu trên 100 tỉ đồng/năm.


Trồng hoa, kiểng là nghề truyền thống có từ hơn 100 năm nay ở Sa Đéc. Sự tài hoa trong đôi tay, đôi mắt của những nghệ nhân nơi đây kết hợp với thời tiết, khí hậu thích hợp khiến trăm hoa càng thêm thắm sắc.




Cho hoa “uống nước”
Hồng thiên hương, một loài hoa mới nhập giống từ Thái Lan, sẽ được tung ra vào dịp tết năm nay

Đan giỏ cho hoa hồng tiểu muội. Nghề hoa kiểng tạo việc làm cho hàng loạt lao động dịch vụ khác

DŨNG CHINH
Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

(Tuổi Trẻ)

6/2/07

Chùa Kiến An Cung

Kiến An Cung là một ngôi chùa cổ có niên đại gần trăm năm. Lối kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách Trung Hoa đã tạo nên nét đặc trưng riêng của một ngôi chùa Hoa ở Nam Bộ. Chùa có diện tích trên 1.000m2, tọa lạc tại phường 2, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Mặt chùa hướng ra bờ sông Cái Sơn.


Chùa Kiến An Cung được xây dựng từ năm 1924 đến năm 1927 thì hoàn thành, do nhóm người Hoa Phước Kiến cùng đóng góp xây dựng. Lúc bấy giờ, có một thương gia tên là Huỳnh Thuận đã vận động đông đảo người Hoa Phước Kiến ở Sa Đéc hùn tiền để lập chùa. Thứ nhất là để duy trì tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, thứ hai là có nơi để liên kết cộng đồng, hội họp, bàn bạc việc buôn bán, trao đổi thông tin...

Kiến An Cung thờ nhiều vị thần nhưng vị thần chính ở đây là Ông Quách. Khác với người Hoa Quảng Đông thường thờ Quan Công, cộng đồng người Hoa Phước Kiến có lòng sung kính Ông Quách hơn. Vì lẽ đó mà Kiến An Cung còn được gọi là chùa Ông Quách. Ông Quách còn gọi là Quách thành Vương công. Quách thành Vương công cũng là Bảo an quảng trạch Tôn Vương. Thời ngũ đại hậu Tấn, người gốc huyện An Khê, tỉnh Phước Kiến. Từ lúc cha qua đời, mẹ dời chỗ ở đến Thi Sơn, tại huyện Nam An, tỉnh Phước Kiến. Thành vương sinh ra tính khác thường, ý khí hào vĩ, phụng sự mẹ hiền hiếu thuận. Tiên thế đời đời hành thiện đều được phong hầu hưởng phước lộc.


Năm 13 tuổi, thành vương đắc đạo tại núi Phụng Sơn, tọa trên cây mây khô rồi hóa thân. Thời ấy, có kiến lập Phụng Sơn tự để thờ phượng, nhằm đời hậu Tấn Thiên Phúc năm thứ 5 (nhằm ngày 22 tháng 8).Đến trào Tống ông đã từng hiển thánh giúp Tống Thái Tổ chinh phạt Nam Đường, thọ phong chức Quảng Lợi vương.Vào thời nhà Minh, lúc hoàng cung bị phát hỏa, Thành Vương lại hiển thánh cứu hỏa bình yên, và trục lùi giặc Lùn trên biển cả, được gia phong chức “Ứng linh uy hầu”. Đến vua Thanh Đạo Quang, lại gia phong là “Quảng trạch tôn vương”.Quách Thành vương công sinh ngày 22 tháng 2, đắc đạo ngày 22 tháng 8.


Kiến An Cung là một ngôi chùa rất uy nghi và lộng lẫy. Sân chùa rộng và thoáng mát, bên ngoài có hàng rào kiên cố bao bọc. Toàn bộ sân chùa đều được tráng xi măng nên rất sạch sẽ. Nóc chùa lợp ngói âm dương, đầu mái lợp ngói lưu li hình ống. Trên nóc mái có đặt bốn tháp nhỏ nằm ngang, trong tháp đó có tượng các vị tiên, phật, thánh thần. Giữa nóc mái có hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai bên lối vô cửa chính có hai con kỳ lân bằng đá xanh to lớn. Hai bên tả hữu có hình vẽ hai ông thần đứng giữ cửa. Kế đến là một sân thiên tỉnh dùng để đón lấy ánh sáng mặt trời. Hai bên là 12 hàng cột to tròn chống đỡ mái chùa nên càng tạo được vẻ uy nghiêm hơn. Xung quanh cột được chạm trổ tinh vi, được ốp gỗ với những liễn đối được viết bằng chữ Hán. Xung quanh là những hoành phi, võng lọng được chạm khắc rất tinh xảo và tạo được sự lung linh, lộng lẫy cho ngôi chùa. Trước gian chính điện có hai hàng binh khí cổ hai bên. Gian chính điện được chia làm ba gian. Gian giữa thờ vị thần chính là Quảng trạch tôn vương, mặt đỏ hồng, tay nâng đai ngọc. Hai bên có hai vị cầm ấn kiếm, tướng diện oai phong lẫm liệt, bên trái là bàn thờ của Thanh Thủy đại sư, bên phải thờ Bảo Sanh đại đế. Mé ngoài thờ bàn Hội đồng, huyền thiên thượng đế và Quan thánh đế quân. Cạnh bên có đông lang và tây lang để làm chỗ tiếp tân khi cúng kiến. Mỗi vị thần được đặt trong một cái khánh thờ, khánh thờ rất to, được chạm trổ tỉ mỉ, trang trí đầy màu sắc với những võng lọng xung quanh nên tạo được không khí trang nghiêm. Phía trên các khánh thờ có một hoành phi đề bốn chữ Hán “Phú bảo an đông”. Hai bên cột có đôi liễn:


Đông thôn chúc thánh đức thành

cung hách trạc thạnh trùng tu

Phú Mỹ tạ thần án, khánh hạ nguy nga hưng miếu tự


Đặc biệt xung quanh ngôi chùa, ở hai bên vách tường có rất nhiều bức họa theo lối thủy mạc hết sức sắc sảo, nét vẽ uyển chuyển, sắc bén trông thật linh động, với các nội dung khuyến thiện trừ tà, nội dung truyện Phong thần, Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký... ý vị, thâm trầm.


Hầu hết những vật liệu trong ngôi chùa này đều được chuyên chở từ Trung Quốc sang, ngay cả thợ xây cất, các họa sư cũng đều được rước từ Trung Quốc. Đã qua lớp bụi thời gian gần cả trăm năm mà ngôi chùa trông vẫn bề thế và nét vẽ vẫn không phai mờ. Quả là tài nghệ của những người thợ lành nghề thuở xưa.


Hằng năm, chùa có hai kỳ cúng lớn. Ngày 22 tháng 8 âm lịch là ngày vía thành đạo, còn ngày 22 tháng 2 âm lịch là vía ngày sinh. Trong các ngày vía này, Ban trị chùa có mời chính quyền địa phương đến dự, đồng thời khách thập phương cũng tới chùa cúng đông đúc, vui như ngày hội, thu hút được một lượng lớn du khách từ mọi nơi kéo về.


Với lối kiến trúc mang đậm phong cách Trung Hoa, với một nền văn hóa truyền thống đặc sắc, Kiến An Cung đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 27-4-1990.


Bài, ảnh: Trần Phỏng Diều

(Báo Điện tử Cần Thơ)

28/1/07

Về Sa Đéc thăm xứ sở “Người tình”

Du khách Pháp yêu Sa Đéc một cách đặc biệt vì họ tìm thấy một tình yêu rất Pháp qua nơi này

Thị xã Sa Đéc của Đồng Tháp được nhiều người nước ngoài tìm đến bởi tiểu thuyết Người tình (L’amant) của nữ văn sĩ Pháp danh tiếng Marguerite Duras. Đó là một chuyện tình có thật gắn liền với ký ức thời thiếu nữ của bà. Và trên chuyến phà trên dòng Mê Kông nối liền Sa Đéc với Vĩnh Long, Marguerite Duras đã gặp người tình của mình, Huỳnh Thủy Lê. Từ đó, một thiên tình sử tráng lệ được ra đời.

CHUYẾN PHÀ ĐỊNH MỆNH THÀNH QUÁ KHỨ.-

Hiện bày trước mắt chúng tôi là một đô thị cổ nhỏ nhắn với cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền. Những cảnh đời sống diễn ra hai bên bờ

sông Mê Kông với vẻ bình dị từ muôn đời nay. Nhưng tất cả không làm người khách lạ có cảm giác bất ổn về chuyện mỹ quan hay ô nhiễm nào đó. Dường như, thiên nhiên với cuộc sống con người luôn sống chan hòa như chưa hề một lần đối nghịch. Nhưng chỉ cần chảy qua khỏi thị xã, con sông lại mang dáng vẻ khác. Cũng rất xanh mát nhưng có gì đó lành lạnh, cứ cuồn cuộn trôi. Một nhánh sông Mê Kông rẽ vào thị xã càng thêm mềm mại bởi những làng hoa, những cây đa bến cũ điểm tô. Hãy nghe Marguerite Duras nói về dòng sông nơi mẹ mình dạy học: “Mẹ tôi thỉnh thoảng nói với tôi rằng không có nơi chốn nào trong suốt cuộc đời tôi lại nhìn thấy được một dòng sông đẹp đẽ, vĩ đại và hoang dã như nơi đây. Sông Mê Kông và những phụ lưu của nó đổ ào ra biển, lưu lượng nước khổng lồ tự nhiên biến mất dưới sự soi mòn của đại dương. Trên một vùng bao la vô tận của tầm nhìn, con sông chảy uốn khúc trong trượt dốc của đất trời thấp xuống...”.

Không mấy khó khăn để tìm hiểu thiên tình sử Marguerite Duras bởi dân Đồng Tháp đã nằm lòng mọi chuyện. Họ càng tự hào khi thấy thiên tình sử của Marguerite Duras và Huỳnh Thủy Lê được tái hiện qua bàn tay của đạo diễn tài ba Jean - Jacques Annaud. Chính hình ảnh mở đầu phim Người tình của Jean - Jacques Annaud với một chuyến phà sang sông Mê kông lúc trời sáng đã làm bao trái tim thổn thức. Thiếu nữ Jean March dáng vẻ phớt đời với đôi môi đỏ thẫm nhìn về phía dòng sông xa xăm. Xung quanh là những con người lam lũ Việt Nam làm nổi bật dáng vẻ Tây phương đầy tâm trạng ấy. Chàng Hoa kiều giàu có đã tìm thấy một tình yêu của riêng mình từ dáng đứng ấy. Khi xem những thước phim của Jean - Jacques Annaud, nhiều du khách đã muốn đến ngay xứ sở chín rồng với hy vọng tìm những phút rung động cho riêng mình. Chuyến phà định mệnh ấy nay đâu? có người nói là phà Cao Lãnh. Nhưng theo một số tài liệu của Sở Du lịch Đồng Tháp lại là phà Mỹ Thuận. Quả là tiếc nuối cho những người theo dấu Người tình khi chuyến phà ấy đã không còn vì đã có cây cầu Mỹ Thuận hoành tráng bắc ngang.

THẾ GIỚI CỦA HUỲNH THỦY LÊ.-

Dạo quanh thị xã, cảm giác quen thuộc của những trang tiểu thuyết Người tình lại hiện về. Những ngôi nhà kiểu Pháp xuất hiện lác đác với dấu vết thời gian đang tàn phá. Khu chợ thị xã với dãy phố mái ngói rêu phong kiểu Trung Hoa. Những con đường với hai hàng cây vào nhau như vòng tay âu yếm của người tình. Trên con đường Nguyễn Huệ, khóm 1, phường 2, nhà người tình Huỳnh Thủy Lê hiện dần ra. Mọi thứ có vẻ khiêm tốn hơn những gì phim ảnh, bút mực ngợi ca. Bởi ngôi nhà của Huỳnh Thủy Lê trong phim là một công trình kiến trúc cổ ở tận xứ Bình Thủy (Cần Thơ) đã trên 130 tuổi. Ngôi nhà của Huỳnh Thủy Lê cũng ngần ấy tuổi được khởi công vào năm 1889 và trùng tu năm 1917. Sau những phút ngỡ ngàng, chúng tôi dạo bước theo lối cũ vào nhà Người tình. Đã một thời, ngôi nhà được ngành công an sử dụng làm nơi làm việc khiến nhiều du khách tìm đến xót xa ra về. Bởi họ không thể đứng giữa ngôi nhà đã hình thành một Hoa kiều phong nhã như tơ trời. Họ càng buồn khi không được đặt chân vào gian phòng sặc mùi á phiện của cha Huỳnh Thủy Lê để mường tượng cảnh ông quỳ lạy van xin cho mối tình ngang trái của mình.

Ngôi nhà có diện tích 258 m2 với lối kiến trúc Đông - Tây giao duyên. Lối kiến trúc chính vẫn là nhà 3 gian như hàng ngàn ngôi nhà miền Tây. Mặt tiền được trang trí bởi các hoa văn chuông muông, cây cỏ tượng trưng cho 4 mùa cầu mong sự sung túc cho gia chủ. Trong khi đó cửa sổ được trang trí với hoa văn phương Tây thường thấy. Những vật dụng hiếm hoi còn giữ lại là chiếc bàn thờ Quan Công giữa sảnh với những chạm khắc tinh xảo, màu nâu bóng vì thời gian. Một chiếc gương to hoen ố, tủ trang điểm, tủ quần áo... Bước vào gian trong là thế giới của gia đình Người tình. Hai căn phòng gỗ hai bên với họa tiết cây trúc thanh mảnh. Chút rờn rợn của căn nhà quyền lực ấy còn sót lại trên chiếc phản gỗ khảm xà cừ nơi ông Huỳnh Thuận ép con mình từ bỏ tiếng nói của con tim để cứu vớt một danh gia sắp hết thời. Sau đêm nghiệt ngã của đời mình, Huỳnh Thủy Lê đã thành hôn với tiểu thư Nguyễn Thị Mỹ, người Gò Công (Tiền Giang) nổi tiếng về giàu có. Căn phòng của đôi vợ chồng bất đắc dĩ ấy nay đã mất dấu vì không được bảo tồn. Khu vườn xanh như ngọc của ngôi nhà cũng biến mất để thay bằng một sân xi măng lạc điệu. Gian nhà bếp bên góc trái khu đất cũng biến mất từ lúc nào cũng không ai hay biết.

NƯỚC NÀO CHẲNG MÁT, TÌNH NÀO CHẲNG NỒNG.-

Mặc dù đã cố níu kéo để được sống trên mảnh đất của những rung động tình yêu nhưng Huỳnh Thủy Lê buộc phải theo vợ con lên Sài Gòn. Cuộc hôn nhân đã cứu được gia đình họ Huỳnh. Ông vẫn sống cuộc đời sung túc, danh vọng và còn làm sui với một phó tổng thống của chính quyền Sài Gòn trước đây. Ông mất vào năm 1972, được an táng trên mảnh đất kỷ niệm Sa Đéc, nay tọa lạc trên đường 30-4 (phía sau khách sạn Bông Hồng). Đến năm 1996, Marguerite Duras cũng qua đời mang theo nỗi nhớ khôn nguôi về người tình Trung Hoa, về dòng sông xứ Việt dù giam mình trong kinh thành ánh sáng Paris.

Trên con đường tìm lại “dấu xưa tích cũ” của Marguerite Duras, chúng tôi còn tìm đến ngôi trường tiểu học Trưng Vương (xưa là École De jeunes filles) do mẹ bà làm hiệu trưởng. Ngôi trường giờ đã bị bê tông hóa hơn phân nửa. Một con lộ được phóng qua sân trường như ngăn đôi. Phía học sinh nữ vẫn còn được giữ nguyên kiến trúc Pháp là nơi khách Pháp thường tìm đến giao lưu. Ngôi nhà của gia đình Marguerite Duras gần Cầu Quay không còn nhận ra dấu tích. Có người tự nhận nơi mình ở chính là căn nhà của bà nhưng không thể đưa ra những minh chứng xác thực.

Trở về ngôi nhà của Người tình trong một buổi chiều gió lộng. Gió từ dòng sông Sa Đéc thổi vào bao lơn trước nhà rồi đi vào thế giới sâu hun hút của Huỳnh Thủy Lê. Người tình đã đi xa, dấu vết kỷ niệm cũng nhạt nhòa nhưng nước sông nào chẳng mát, tình yêu nào mà chẳng nồng nàn... Cứ thế, hàng ngàn người âm thầm về chốn này như yêu thương tuôn chảy không phút nghỉ ngơi.

Phạm Thái Thanh

(Người Lao động)
Related Posts with Thumbnails