7/2/07

Làng hoa Sa đéc vào mùa Tết

Cùng với những loại hoa truyền thống như hồng, cúc, vạn thọ..., làng hoa Sa Đéc đã ươm trồng được thêm những loại hoa, kiểng mới hấp dẫn như mai dạ thảo, xương rồng Vạn lý trường thành, hoa hồng thiên hương, hoa ngọc mai...

Năm nay nhiều nơi thất mùa hoa nên hoa Sa Đéc càng có giá. Những ngày này, hoa Sa Đéc đang lên xe đò và ghe, xuồng để vận chuyển lên TP.HCM, thị trường tiêu thụ lớn nhất, đón tết.


Làng hoa Sa Đéc có diện tích trên 250ha với gần 2.000 hộ làm nghề. Ở đây có trên 1.000 chủng loại hoa, mỗi năm xuất đi các tỉnh, thành và cả sang Lào, Campuchia và Trung Quốc trên 10 triệu sản phẩm, doanh thu trên 100 tỉ đồng/năm.


Trồng hoa, kiểng là nghề truyền thống có từ hơn 100 năm nay ở Sa Đéc. Sự tài hoa trong đôi tay, đôi mắt của những nghệ nhân nơi đây kết hợp với thời tiết, khí hậu thích hợp khiến trăm hoa càng thêm thắm sắc.




Cho hoa “uống nước”
Hồng thiên hương, một loài hoa mới nhập giống từ Thái Lan, sẽ được tung ra vào dịp tết năm nay

Đan giỏ cho hoa hồng tiểu muội. Nghề hoa kiểng tạo việc làm cho hàng loạt lao động dịch vụ khác

DŨNG CHINH
Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

(Tuổi Trẻ)

6/2/07

Chùa Kiến An Cung

Kiến An Cung là một ngôi chùa cổ có niên đại gần trăm năm. Lối kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách Trung Hoa đã tạo nên nét đặc trưng riêng của một ngôi chùa Hoa ở Nam Bộ. Chùa có diện tích trên 1.000m2, tọa lạc tại phường 2, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Mặt chùa hướng ra bờ sông Cái Sơn.


Chùa Kiến An Cung được xây dựng từ năm 1924 đến năm 1927 thì hoàn thành, do nhóm người Hoa Phước Kiến cùng đóng góp xây dựng. Lúc bấy giờ, có một thương gia tên là Huỳnh Thuận đã vận động đông đảo người Hoa Phước Kiến ở Sa Đéc hùn tiền để lập chùa. Thứ nhất là để duy trì tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, thứ hai là có nơi để liên kết cộng đồng, hội họp, bàn bạc việc buôn bán, trao đổi thông tin...

Kiến An Cung thờ nhiều vị thần nhưng vị thần chính ở đây là Ông Quách. Khác với người Hoa Quảng Đông thường thờ Quan Công, cộng đồng người Hoa Phước Kiến có lòng sung kính Ông Quách hơn. Vì lẽ đó mà Kiến An Cung còn được gọi là chùa Ông Quách. Ông Quách còn gọi là Quách thành Vương công. Quách thành Vương công cũng là Bảo an quảng trạch Tôn Vương. Thời ngũ đại hậu Tấn, người gốc huyện An Khê, tỉnh Phước Kiến. Từ lúc cha qua đời, mẹ dời chỗ ở đến Thi Sơn, tại huyện Nam An, tỉnh Phước Kiến. Thành vương sinh ra tính khác thường, ý khí hào vĩ, phụng sự mẹ hiền hiếu thuận. Tiên thế đời đời hành thiện đều được phong hầu hưởng phước lộc.


Năm 13 tuổi, thành vương đắc đạo tại núi Phụng Sơn, tọa trên cây mây khô rồi hóa thân. Thời ấy, có kiến lập Phụng Sơn tự để thờ phượng, nhằm đời hậu Tấn Thiên Phúc năm thứ 5 (nhằm ngày 22 tháng 8).Đến trào Tống ông đã từng hiển thánh giúp Tống Thái Tổ chinh phạt Nam Đường, thọ phong chức Quảng Lợi vương.Vào thời nhà Minh, lúc hoàng cung bị phát hỏa, Thành Vương lại hiển thánh cứu hỏa bình yên, và trục lùi giặc Lùn trên biển cả, được gia phong chức “Ứng linh uy hầu”. Đến vua Thanh Đạo Quang, lại gia phong là “Quảng trạch tôn vương”.Quách Thành vương công sinh ngày 22 tháng 2, đắc đạo ngày 22 tháng 8.


Kiến An Cung là một ngôi chùa rất uy nghi và lộng lẫy. Sân chùa rộng và thoáng mát, bên ngoài có hàng rào kiên cố bao bọc. Toàn bộ sân chùa đều được tráng xi măng nên rất sạch sẽ. Nóc chùa lợp ngói âm dương, đầu mái lợp ngói lưu li hình ống. Trên nóc mái có đặt bốn tháp nhỏ nằm ngang, trong tháp đó có tượng các vị tiên, phật, thánh thần. Giữa nóc mái có hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai bên lối vô cửa chính có hai con kỳ lân bằng đá xanh to lớn. Hai bên tả hữu có hình vẽ hai ông thần đứng giữ cửa. Kế đến là một sân thiên tỉnh dùng để đón lấy ánh sáng mặt trời. Hai bên là 12 hàng cột to tròn chống đỡ mái chùa nên càng tạo được vẻ uy nghiêm hơn. Xung quanh cột được chạm trổ tinh vi, được ốp gỗ với những liễn đối được viết bằng chữ Hán. Xung quanh là những hoành phi, võng lọng được chạm khắc rất tinh xảo và tạo được sự lung linh, lộng lẫy cho ngôi chùa. Trước gian chính điện có hai hàng binh khí cổ hai bên. Gian chính điện được chia làm ba gian. Gian giữa thờ vị thần chính là Quảng trạch tôn vương, mặt đỏ hồng, tay nâng đai ngọc. Hai bên có hai vị cầm ấn kiếm, tướng diện oai phong lẫm liệt, bên trái là bàn thờ của Thanh Thủy đại sư, bên phải thờ Bảo Sanh đại đế. Mé ngoài thờ bàn Hội đồng, huyền thiên thượng đế và Quan thánh đế quân. Cạnh bên có đông lang và tây lang để làm chỗ tiếp tân khi cúng kiến. Mỗi vị thần được đặt trong một cái khánh thờ, khánh thờ rất to, được chạm trổ tỉ mỉ, trang trí đầy màu sắc với những võng lọng xung quanh nên tạo được không khí trang nghiêm. Phía trên các khánh thờ có một hoành phi đề bốn chữ Hán “Phú bảo an đông”. Hai bên cột có đôi liễn:


Đông thôn chúc thánh đức thành

cung hách trạc thạnh trùng tu

Phú Mỹ tạ thần án, khánh hạ nguy nga hưng miếu tự


Đặc biệt xung quanh ngôi chùa, ở hai bên vách tường có rất nhiều bức họa theo lối thủy mạc hết sức sắc sảo, nét vẽ uyển chuyển, sắc bén trông thật linh động, với các nội dung khuyến thiện trừ tà, nội dung truyện Phong thần, Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký... ý vị, thâm trầm.


Hầu hết những vật liệu trong ngôi chùa này đều được chuyên chở từ Trung Quốc sang, ngay cả thợ xây cất, các họa sư cũng đều được rước từ Trung Quốc. Đã qua lớp bụi thời gian gần cả trăm năm mà ngôi chùa trông vẫn bề thế và nét vẽ vẫn không phai mờ. Quả là tài nghệ của những người thợ lành nghề thuở xưa.


Hằng năm, chùa có hai kỳ cúng lớn. Ngày 22 tháng 8 âm lịch là ngày vía thành đạo, còn ngày 22 tháng 2 âm lịch là vía ngày sinh. Trong các ngày vía này, Ban trị chùa có mời chính quyền địa phương đến dự, đồng thời khách thập phương cũng tới chùa cúng đông đúc, vui như ngày hội, thu hút được một lượng lớn du khách từ mọi nơi kéo về.


Với lối kiến trúc mang đậm phong cách Trung Hoa, với một nền văn hóa truyền thống đặc sắc, Kiến An Cung đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 27-4-1990.


Bài, ảnh: Trần Phỏng Diều

(Báo Điện tử Cần Thơ)

Related Posts with Thumbnails