9/8/09

Dấu xưa Sa Đéc


Về đồng bằng sông Cửu Long, từ phía bờ nam cầu dây văng Mỹ Thuận vòng lên cầu vượt rẽ trái chừng 15km thì đến thị xã Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây cách thành phố Hồ Chí Minh 160km, cách Cần Thơ 55km.

Sa Đéc thời Pháp thuộc từng là thủ phủ hành chính của nhiều tỉnh trong khu vực với toà bố đặt tại thị xã. Trước 1975 đây là một tỉnh riêng lẻ. Từ năm 1994 trở về trước Sa Đéc là tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp. Do có lịch sử hình thành khá lâu đời nên Sa Đéc có rất nhiều đình chùa, nhà cổ, làng nghề nổi tiếng. Đến với thị xã bên bờ Sa Giang này bạn sẽ gặp nhiều kiến trúc cổ, nhà cổ được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ trước.

Chùa Kiến An Cung hay còn gọi là chùa Ông Quách nằm ngay tại trung tâm thị xã Sa Đéc. Chùa do những người Hoa ở tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc di cư sống tại Sa Đéc xây dựng. Mái ngói chùa gồm có 3 lớp. Ngói được lợp theo gợn sóng rồng, cong vút lên cao, tạo dáng “ngũ hành”. Toàn bộ chùa không có kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng lại, chịu lực trên những cột gỗ tròn. Mặt chính trên vách chùa trang trí cây cối, chim thú, tượng người ghép bằng mảng gốm màu thu nhỏ tạo thành những bức tranh. Ở giữa gian chính có tấm hoành phi “Kiến An Cung”, trang trí rồng, mây, nai, hạc. Trên cửa ra vào có 6 con lân gỗ thếp vàng. Trên mặt của mỗi cánh cửa vẽ cảnh sinh hoạt của vua quan. Hai bên cửa vào chính điện có hai con kỳ lân trấn môn bằng đá xanh lớn, chạm khắc tinh xảo. Ngoài Quảng Trạch Tôn Vương (Ông Quách) còn có hai vị thần được thờ ở hai bên trong gian chánh điện. Bên tả là Thanh Thủy Tể Sư, nguyên là thầy thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Bên hữu là Bảo Sanh Đại Đế, có nhiệm vụ bảo vệ sinh mệnh các vị vua chúa.

Trong thị xã Sa Đéc còn có nhiều ngôi đình, chùa cổ, đẹp có giá trị về văn hoá, lịch sử như chùa Hương, chùa Bà Thiên Hậu, đình Vĩnh Phước, Tân Tây Võ miếu, chùa Bà Cửu Thiên Huyền Nữ...

Ngoài chùa chiền, miếu mạo và những làng hoa rực rỡ sắc màu, Sa Đéc còn có 17 ngôi nhà cổ còn khá nguyên vẹn. Những ngôi nhà này được kiến trúc theo phong cách Pháp vào những năm 1900, trong đó nổi bật là trường tiểu học Trưng Vương và nhà ông Huỳnh Thủy Lê, “người tình” của nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras ở số 255A khu phố 1, phường 2, thị xã Sa Đéc. Chợ thực phẩm Sa Đéc và một số công sở mang dấu ấn kiến trúc Pháp hiện vẫn còn sử dụng. Đến với quê hương Sa Đéc bên bờ Sa Giang, bạn sẽ tìm lại được dấu xưa và sẽ khám phá thêm nhiều điều hấp dẫn.

Hoàng Thám (Báo Công an TP. HCM)

Mở cửa "đại siêu thị sách" Sa Đéc

ICTnews - Siêu thị sách Thành Nghĩa có diện tích hơn 3.000 m2, kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng đã được khai trương ngày 18/7 tại thị xã Sa Đéc.


Đây là siêu thị nằm trong hệ thống 30 siêu thị - nhà sách Nguyễn Văn Cừ của doanh nghiệp sách Thành Nghĩa TP.HCM.


Doanh nghiệp Thành Nghĩa cho biết tại đây có gần 50.000 đầu sách các loại được trưng bày với tổng số trên 1 triệu bản sách đủ mọi chủng loại, trong đó mảng chủ lực vẫn là sách chính trị, pháp luật, kinh tế, sách KHKT, sách tin học, sách giáo khoa … Bên cạnh gian hàng sách còn có hơn 10.000 mặt hàng tiêu dùng thời trang, quà lưu niệm, văn phòng phẩm, hàng gia dụng, thực phẩm tươi sống, xưởng bánh ngọt trang thiết bị châu Âu, và các mặt hàng đa dạng phong phú khác phục vụ cho khách hàng đến mua sắm tại siêu thị.


Siêu thị này tạo việc làm cho hơn 150 người ở địa phương. Trong buổi khai trương, doanh nghiệp Thành Nghĩa đã trao tặng 25 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương cho 1 gia đình thương binh ở thị xã Sa Đéc. Theo dự kiến, vào cuối năm nay, doanh nghiệp sẽ khai trương thêm một siêu thị Nhà sách có quy mô lớn hơn nữa ở TP. Cần Thơ và vào đầu năm 2010 doanh nghiệp sẽ mở thêm 1 siêu thị sách lớn tại tỉnh Ninh Thuận.


Hồng Hải

1/8/09

Tên gọi Sa Đéc

Chợ thực phẩm Sa Đéc

Hai tiếng Sa Đéc có lẽ xuất phát từ âm của tiếng Phsa dek của người Khmer hạ, tên của một vị thủy thần gốc Khmer. Trong sách Đại Nam nhất thống chí Lục tỉnh Nam Việt, phần Tự quán (trang 38-39), có chép:

“Chùa Tô Sơn ở địa phận thôn Hưng Nhượng, huyện Hà Dương (tỉnh An Giang), phía tây núi có viên đá hình con rùa. Người xưa truyền rằng: gặp khi trời hạn thì đến đấy cầu đảo ắt có được mưa, thổ nhơn bèn lập đền ở chân núi để thờ, gọi là Sa Đéc (tức là Thủy thần)”.
Trong khi đó trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện sau:
Ngày xưa ở đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu), có một tên chúa đất họ Thạch, vừa giàu có, vừa hung ác. Đất đai cò bay thẳng cánh, con thỏ, con nai ở trong rừng; con cá, con tôm ở dưới sông, con chim ở trên trời… tất cả đều là của họ Thạch. Ai hái, bắt thứ gì mà không nộp một nửa hoa lợi thì đừng hòng thoát khỏi tay y. Đám thuộc hạ của y làm tai mắt ở khắp nơi.

Chúa đất họ Thạch giàu có như vậy mà chỉ có mỗi một mụn con gái. Tên nàng là Phsa-dek, xinh đẹp, tính tình nhân hậu hoàn toàn khác cha. Một hôm, nàng dùng ghe lườn cùng nàng hầu rong chơi trên sông Tiền, chẳng may gặp mưa to gió lớn, ghe bị chìm. Trong lúc chủ tớ đang loai ngoai chờ chết, bỗng đâu có một thanh niên lao xuống cứu được cả hai.
Chàng trai nọ đưa hai người về chòi của mình chăm sóc. Khi tỉnh lại, hai người trò chuyện mỗi lúc mỗi thân mật, gắn bó. Nàng hỏi:
- Chàng đang ở trên đất của ai, chàng biết không?
- Biết chớ, toàn vùng này đều là đất của chúa đất họ Thạch ai mà không biết.
- Chàng không sợ ông ta à?
- Có gì mà phải sợ. Tôi từ phương xa tới đây, đất đai, sông nước là của trời sinh, chỗ nào thích là tôi ở. Ông Thạch đâu có sinh ra đất này hoặc khai khẩn gì đâu mà nói là của ổng.

Phsa-dek không cho chàng biết mình là con gái của chúa đất. Từ đó hai người thường lén lút gặp nhau. Bọn thuộc hạ cho tên chúa đất biết chuyện này. Lập tức hắn nhốt nàng lại và lệnh cho tìm bắt chàng trai nọ cho kỳ được. Bọn thủ hạ truy lùng chàng trai, chàng nhanh chân thoát được, nhưng trúng phải tên độc. Tưởng chàng đã chết, chúng bỏ đi. Nhưng may mắn, chàng được một người đi rừng tình cờ cứu sống. Chàng giữ lại mũi tên có khắc chữ Thạch để mưu tính chuyện trả thù.

Ngày nọ, chàng đột nhập vào dinh cơ tên chúa đất, đốt phá cho đã, rồi bắt hắn mang đi. Bỗng Phsa-dek thấy được, tri hô lên. Đám thuộc hạ ùa tới giải vây cho chủ. Chàng trai quá đỗi sững sờ, ngạc nhiên khi thấy nàng ở đây. Lợi dụng giây phút đó, đám thuộc hạ bắt được chàng và tra tấn rất dã man. Nghĩ rằng tại mình nên người yêu cũng là ân nhân mới gặp nạn, nàng đau đớn ngất lịm đi.
Khi được tin chàng trai bị cột chặt vào bè, rồi phóng hỏa đốt thả trôi sông, nàng Phsa-dek vùng dậy chạy theo nhảy xuống bè để cùng chết chung với chàng, nhưng bị thuộc hạ của chúa đất phóng theo bắt lại.

Phsa-dek bỏ nhà đi tu. Vài năm sau, tên chúa đất họ Thạch qua đời. Nàng trở thành người thừa kế một sản nghiệp đồ sộ của dòng họ Thạch. Một phần tài sản được nàng chia cho dân nghèo, phần còn lại dùng vào việc đắp đường, bồi lộ, dựng cầu và xây một nhà lồng chợ để cho người mua, kẻ bán có chỗ che nắng trú mưa.

Ngôi chợ đó được gọi là chợ Phsa-dek, lâu ngày nói trại thành Sa Đéc đến ngày nay. Còn nàng thì được nhân dân kính cẩn tôn lên hàng nữ thần. Tương truyền nàng rất linh thiêng, nhân dân cầu xin điều gì cũng đều được linh ứng.

Đền thờ thủy thần Sa Đéc trên núi Cô Tô với chuyện này không biết có liên hệ gì với nhau không?, song cả hai đều liên quan đến tên gọi Sa Đéc.

Trong Gia Định thành thông chí (tập hạ) của Trịnh Hoài Đức mô tả chợ Sa Đéc như sau: “Chợ ở đông huyện Vĩnh An. Phố chợ dọc theo bờ sông, nhà hai bên liên tiếp 5 dặm, dưới sông có những nhà bè, gác làm phòng ốc, đậu sát nhau, hoặc bán hàng lụa, khí dụng ở Nam Bắc chở đến, hoặc bán dầu rái, than, mây tre… Trên bờ và dưới sông hàng hóa tốt đẹp, trông khá vui vẻ, thật là nơi thắng địa phồn hoa vậy”.

Như vậy, Sa Đéc quả thật là một chợ nổi, nổi tiếng trên sông nước. Phải chăng chính vì vậy mà người Khmer gọi là Phsa ădek (có nghĩa là chợ nổi) và người Việt phát âm thành Sa Đéc?

(Nguồn: “Tìm hiểu nguồn gốc Địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết”

7/6/09

Ăn hủ tiếu bò viên Sadec ở Saigon

Hôm nay một người bạn nhắn tin cho mình trong tâm trạng rất hân hoan. Bạn vừa biết một quán bán hủ tiếu bò viên Sadec ở Saigon. Cô bạn sành ăn của mình đã rất chu đáo hỏi kỹ giờ bán cũng như ghi lại địa chỉ của quán và tận tình chỉ đường cho mình đến đó. Thật may quán đó khá gần nơi mình làm và rất dễ tìm. Mình cũng rất hào hứng khi biết tin này và nói nhất định chiều đi làm về sẽ ghé qua để thưởng thức; một phần cũng để kiểm chứng xem hương vị hủ tiếu ở đây có thật sự giống ở Sadec không.

Quán tọa lạc ở ngay mặt tiền đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, đối diện ngân hàng Vietcombank . Nếu đi từ Nguyễn Văn Trỗi thì cứ đi về hướng Trần Huy Liệu ra Hoàng Văn Thụ. Tên quán đơn giản nhưng đầy đủ ý nghĩa "Hủ tiếu bò viên Sa Đéc". Quán sạch sẽ và khá mới. Dường như chủ quán chỉ mới mở hay mới dọn về trong thời gian gần đây. Ngoài bán hủ tiếu với bò viên còn có tái, nạm và cả phở. Nhưng mình chắc chắn là ăn hủ tiếu bò viên thôi. Mình chọn ngồi ở bàn gần nơi nấu và cố tình để ý rổ hủ tiếu của họ. Đúng là những sợi hủ tiếu to to như ở Sadec nhưng trông có vẻ như đó là loại đã được phơi khô. Có lẽ vì phải mang từ Sadec lên nên người ta phải phơi khô để tránh mốc khi để lâu ngày.

Chỉ ngồi ở bàn ăn mà mình đã ngửi thấy hương vị thơm lừng của nồi nước súp, hệt như khi ngồi ăn ở quán trước chợ Thực phẩm ở Sadec. Tô hủ tiếu to mang ra trông đầy hấp dẫn. Cũng như ở Sadec, kèm theo đó là một chén tương nhỏ và một dĩa rau gồm rau quế và ngò gai. Nặn thêm chút chanh, cho ít ớt vào chén tương, đánh đều lên và bắt đầu thưởng thức. Hương vị quả không khác ở Sadec. Sợi hủ tiếu không bở cũng không quá dai. Đúng là hủ tiếu từ Sadec. Nước súp nêm đậm đà, cộng thêm mùi hương thơm lừng của ngò gai xắt nhuyễn và không hề có hành theo đúng phong cách Sadec. Cho một viên bò chấm vào tương rồi ăn cùng với chút hủ tiếu, húp thêm một muỗng nước súp, quả là một cách thưởng thức thật tuyệt vời.

Giá cả ở đây cũng khá hợp lý, 16.000 đồng cho một tô hủ tiếu bò viên và 12.000 đồng cho một chén bò. Chủ quán rất thân tình và chu đáo trong phục vụ. Trước khi về mình nán lại hỏi ông chủ :

-Hủ tiếu này có phải mang từ Sadec lên không anh?
- Đúng rồi, ăn có được không?
- Dạ được, em cũng là người Sadec.

Ông chủ hơi bất ngờ và vui vẻ hỏi thăm. Mình thầm nghĩ sẽ giới thiệu quán cho nhiều bạn bè đến ăn vì đầy là lần đầu tiên ở Saigon mình được thưởng thức đúng hương vị thân quen của hủ tiếu Sadec. Và mình nghĩ có nhiều người con Sadec khác ở Saigon cũng có mong muốn được thưởng thức món ăn quen thuộc của quê nhà như mình, món ăn tuy bình dị nhưng đã trở thành nét văn hóa ẩm thực của quê hương.

Các bạn quan tâm, hãy đến thưởng thức tại quán “Hủ tiếu bò viên Sa Đéc”, 133 Trần Huy Liệu, phường 8, quận Phú Nhuận.

Một thoáng Sa Đéc


Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

6/6/09

Thị xã Sa Đéc đạt chuẩn đô thị loại III

Nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu, thị xã (TX) Sa Đéc (Đồng Tháp), một đô thị lâu đời, mang đậm nền văn hoá sông nước.

Mặc dù không phải là thị xã tỉnh lỵ nhưng TX Sa Đéc là trung tâm kinh tế, thương mại hàng đầu của Đồng Tháp. TX hiện có hai khu công nghiệp A, C và đang mở thêm khu C mở rộng. Các khu công nghiệp này có ảnh hưởng tác động không những với TX mà với các khu vực lân cận như Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành và đang là nơi thu hút nguồn lao động lớn.

Do có vị trí trung tâm, TX là đầu mối chính chuyển hàng hoá từ TP.HCM về các huyện xung quanh và là đầu mối thu hút nhiều nguồn gạo từ các tỉnh khác về để chế biến xuất khẩu. Hơn một trăm năm qua, Sa Đéc còn nổi tiếng cả nước với vùng trồng hoa kiểng, cây cảnh truyền thống. Sản phẩm hoa, cây cảnh của Sa Đéc hiện đang cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM, các tỉnh miền Trung, thị trưrờng Campuchia và đang hướng đến những thị trường xuất khẩu khác.

Ngoài QL80 và sông Tiền chảy qua nội đô, TX còn có sông Sa Đéc - Lấp Vò là tuyến sông cấp 1 (nối liền giao thông thuỷ giữa TP.HCM đi Kiên Lương và Campuchia), có cảng Sa Đéc nằm trong hệ thống cảng biển quốc gia và một cảng sông nội địa mới đợc Trung ương đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo, thuỷ hải sản của toàn khu vực ĐBSCL.

Tại cuộc họp ngày 8/12, TX giàu tiềm năng phát triển này đã được Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng đánh giá là đạt chuẩn đô thị loại III. Như vậy, Đồng Tháp trở thành tỉnh duy nhất trong cả nước có hai đô thị loại III là TX Cao Lãnh và TX Sa Đéc.

Nguồn tin: Báo Xây dựng, số 100, ngày 15/12/2005)

Hủ tíu Việt Nam

Hủ tíu - còn gọi hủ tiếu - là món ăn phổ biến khắp phía nam, đến nay đã xuất hiện ở miền trung và miền bắc. Trong các chương trình liên hoan văn hóa ẩm thực Việt Nam tại nước ngoài, đặc sản hủ tíu luôn được trân trọng giới thiệu. Tuy nhiên, dẫu từng nấu và xơi hủ tíu hoặc thỉnh thoảng hoặc thường xuyên, nào phải ai ai cũng hiểu rõ gốc gác cùng bao biến thể của món ăn này.

Từ đâu ? Bao giờ ?

Bấy lâu, không ít người cứ bảo món ăn này xuất xứ từ đất nước Chùa Tháp láng giềng vì thường nghe "hủ tíu Nam Vang". Kỳ thực, vậy mà... chẳng phải vậy !

Cái tên hủ tíu/hủ tiếu, vốn bắt nguồn bởi tiếng Hán quả điều mà dân Tiều (Triều Châu) phát âm thành cổ chéo. Nghĩa là "bánh sợi". Thì đấy là sợi bánh bằng bột gạo, gần giống bánh phở (âm Hán-Việt: phấn, nghĩa gốc là bột) song hủ tíu khác cơ bản ở chỗ sợi bánh thường được sấy khô, lúc chuẩn bị ăn mới trụng nước sôi và chần mỡ hành phi cho mềm-thơm-bùi-béo.

Như thế, trên cơ sở từ nguyên, có thể thấy rằng món hủ tíu thông dụng xưa nay khắp "Nam Kỳ lục tỉnh" vốn từng được khai sinh tít tận Trung Hoa rồi du nhập vào nước ta qua biên giới tây nam sau một thời gian "quá cảnh" tại Campuchia. Và cũng tương tự phở (ngầu phảnh/ngưu nhục phấn) cực kỳ phổ biến ở Bắc Bộ, món hủ tíu ngoại lai dần được Việt hóa theo bao cung cách khác nhau để trở thành đặc sản quen thuộc "đậm đà tính dân tộc" trên dải đất cong cong hình chữ S.

Một Việt kiều ở Pháp vẫn được bạn bè quen gọi bằng biệt danh Sous Chef vì anh từng làm bếp phó tại một khách sạn lớn giữa thủ đô Paris và từng đi đó đi đây để trao đổi nghiệp vụ "dao thớt". Sous Chef nói: Gặp dịp khảo sát món hủ tíu ở Bắc Kinh, Quảng Châu và Hồng Công (Trung Quốc) cũng như ở Phnom Penh (Campuchia) mọi người Việt chắc đều ngạc nhiên nhận ra hủ tíu những nơi ấy rất khác hủ tíu quê nhà. Khác và không ngon bằng ! Sợi bánh của họ ít dẻo thơm bằng. Nước lèo (nước súp) của họ thì kém trong, kém ngọt. Còn tôm thịt cùng gia vị cũng tồn tại lắm dị biệt.

Những "biến tấu" hấp dẫn

Sous Chef còn nêu ý kiến đáng chú ý: Nhiều nước, hủ tíu tồn tại cũng chỉ vài ba "chủng loại". Riêng Việt Nam, thật đặc sắc, hủ tíu được phát triển tới hàng chục kiểu khác nhau.

Về phở, giáo sư Phan Ngọc chịu khó lục lọi sách vở và thống kê thấy 17 kiểu cả thảy. Tôi thì la cà nhà hàng, quán xá, quầy, sạp, xe, gánh ở một số tỉnh thành phía nam, ghi nhận chưa đầy đủ được 25 kiểu hủ tíu. Này nhé: hủ tíu Nam Vang, hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Sa Đéc, hủ tíu mì, hủ tíu nui, hủ tíu hoành thánh, hủ tíu xào, hủ tíu xá xíu, hủ tíu thịt băm, hủ tíu sườn heo, hủ tíu lòng heo, hủ tíu cá, hủ tíu cua, hủ tíu tôm, hủ tíu gà ta, hủ tít gà ác, hủ tíu bò kho, hủ tíu bò viên, hủ tíu bò tái, hủ túi bò sa tế, hủ tíu nai sa tế, hủ tíu vịt quay, hủ tíu nấm, hủ tíu măng, hủ tíu chay. Nói chung, mỗi kiểu đều chia 2 dòng là khô và nước, do đó nhân đôi lên vị chi món hủ tíu đã có sơ sơ 50 kiểu. Tùy nơi, tùy lúc mà các kiểu được linh động tổ hợp thành "model" mới như hủ tíu mì-nui-hoành thánh, hủ tíu cá-tôm-cua, hủ tíu nấm-măng, hủ tíu thập cẩm v.v. Ấy là tôi chưa liệt kê đôi kiểu "độc chiêu" thỉnh thoảng bắt gặp ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ như hủ tíu chuột, hủ tíu dơi, hủ tíu rắn, hủ tíu rùa. Thời gian qua, bên cạnh mì ăn liền nhiều loại hủ tíu ăn liền còn xuất hiện nhan nhản trên thị trường, âu cũng góp phần làm phong phú thêm bảng thực đơn "chuyên đề" hủ tíu .

Nói theo lý luận bếp núc Âu Mỹ, thì hủ tíu nằm trong hệ thống mỹ vị Pháp (gastronomie) vô cùng phong phú vì nó mang tính cách mở, linh hoạt, phóng khoáng, dễ hội nhập và thích ứng. Như vậy, tô hủ tíu phản ánh phần nào tính cách lẫn bản sắc của người dân Nam Bộ.

A Cánh - một chủ tiệm hủ tíu người Việt gốc Hoa ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh - tiết lộ: Gia đình ngộ (tôi) ít nhất đã ba đời sống bằng nghề này. Cũng như bún bò và phở, muốn nấu hủ tíu ngon thì phải đặc biệt chú ý tới nồi nước lèo. Hủ tíu khô hay uớt gì cũng cần nước lèo, chỉ khác là hủ tíu khô phải dọn nước lèo riêng thôi. Nồi nước lèo ngọt thơm nhờ hầm xíu quách (trư cốt: xương heo), củ cải, tôm khô và khô mực nướng. Ngộ còn thả thêm miếng xí pố (khô cá) nướng thiệt thơm. Bán hủ tíu mì, các quán chuyên nghiệp thường tự sản xuất sợi mì cho đúng ý, đồng thời chế biến xíu mại cùng tài páo (bánh bao) luôn. Dọn tô hủ tíu cũng phải lưu tâm kỹ các thứ gia vị cần thiết như zìm (muối), tsu (dấm), chương dẩu (xì dầu/nước tương), càng không thể quên tăng xại (đông thái).

Đông thái là cải bắc thảo thái mỏng và muối khô, một loại "phụ tùng" độc đáo thường thấy các tiệm hủ tíu đựng trong thạp gốm tráng men màu da lươn. Sau khi bỏ bánh sợi và mì sợi vào vợt kim loại nhúng xuống thùng nước sôi rồi trút vô tô, đầu bếp nhón một ít đông thái, thêm tóp mỡ, giá trụng thả vô tô nốt. Tiếp theo là đặt xá xíu thịt băm, miếng gan heo, quả trứng cút; kế đó rắc lá hẹ (chứ không phải hành lá) xắt nhỏ, rồi múc nước lèo chan vô tô. Cuối cùng, bứt ngọn xà lách xanh muốt làm đôi, bỏ trên mặt tô và dọn mời. Thực khách tùy gu mà thêm dấm, ớt, tiêu, xì dầu, đoạn trộn đảo và xưởng xích (thưởng thức) nóng sốt. Khi dùng, có người gọi thêm chén xíu mại, có người xơi kèm chiếc bánh quẩy (giò cháo quẩy).

Ấy là món hủ tíu mì quen thuộc. Thay mì bằng nui, bằng hoành thánh (vằn thắn), thành hủ tíu nui hay hủ tíu hoành thánh. Tô hủ tíu sườn thì lổn nhổn mấy miếng sườn heo non nấu hồng nhự (chao đỏ) với hương vị rất đặc trưng. Hủ tíu bò kho, bò viền, bò tái, bò sa tế hoặc hủ tíu gà cũng khác xa phở bò, phở gà. Hủ tíu bò sa tế nổi tiếng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có ba quán cùng lấy hiệu Tô Ký do ba anh em ruột làm chủ, hai quán thuộc quận 6, một quán thuộc quận 5. Riêng hủ tíu gà, ở TP Hồ Chí Minh có mấy tiệm "chuyên trị" món này tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi. Nồi nước lèo dành cho hủ tíu gà phải hầm toàn xương gà với củ cải, thảo quả, mục quả (đu đủ) cùng gia vị, sao cho nước ngọt thanh và trong veo. Thịt gà xé đặt lùm lùm miệng tô, cùng mề, gan, tim, cật gà đã được xử lý bằng bí quyết riêng, ăn sao thấy lạ miệng và ngon đáo ngon để. Các loại hủ tíu thủy hải sản (cá, tôm, mực, cua,v.v.) giá cả thường đắt nhất, có tiệm tính tới 25.000 đồng/tô, song chẳng phải chỗ nào cũng nấu đạt chất lượng.

Ba bảy là gì ?

Nhiều người "nghiện" hủ tiếu cho biết: Muốn ăn hủ tíu tôm thì ghé ngã năm Bình Hòa ở quận Bình Thạnh. Hủ tíu cá, phải lên Chợ Lớn. Hủ tíu cua, về Gò Vấp. Nhưng mấy món hủ tíu thủy hải sản, chưa đâu nấu cừ khôi bằng quán chú Xồi ở miệt Lái Thiêu (Bình Dương).

Chú Xồi hoặc chú Chệc chỉ là tên gọi chung đàn ông Hoa kiều. Thực tế, tại nhiều thị tứ phía nam, đa số quán tiệm hủ tíu đắt khách thường do bà con người Việt gốc Hoa đứng bếp. Phần lớn các tiệm này cũng là "mì gia" treo biển hiệu song ngữ Việt - Hoa mà thoạt trông dễ nhận biết (và cũng dễ bị giả mạo) là hiệu danh chứa hậu tố Ký như Diệu Ký, Lưu Ký, Tuyền Ký, Hưng Ký, Hồng Ký, Tô Ký, Quang Ký, Oai Ký, Phánh Ký, Zìn Ký. Gia vị dùng cho hủ tíu cũng đậm đặc chất Tàu: nào đông thái, nào dấm đỏ, nào hắc xì dầu, v.v. Vậy mức độ Việt hóa món ăn này thể hiện ở điểm nào ? Sous Chef phân tích nghe khá hợp lý: Hủ tíu là món gốc Hoa, nhưng đã Khmer hóa và nhất là Việt hóa để thích nghi thủy thổ, cơ địa. Rõ rệt nhất là tô hủ tíu Mỹ Tho. Anh biết rằng tập quán ngươi Hoa là dùng dấm, xì dầu và hầu như chẳng bao giờ ăn rau sống. Hủ tíu Mỹ Tho thì dùng chanh, giá sống cùng lắm loại rau mùi, và độ mặn nhạt được nhấn nhá bằng thứ gia vị chính cống Việt Nam: nước mắm.

Tôi đã về thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) để lai rai khảo nếm món hủ tíu lừng danh nơi dãy quán quanh khu vực cầu quay. Ba Châu - chủ tiệm hủ tíu đắt khách trên đường Trưng Trắc - cho biết: Một trong những yếu tố tạo nên nét riêng của hủ tíu Mỹ Tho là bánh sợi. Sợi bánh được làm từ gạo Gò Cát dẻo thơm, loại gạo mà không phải đất nào cũng trồng được. Hiện cả tỉnh Tiền Giang có hai lò sản xuất bánh hủ tíu số zách: lò Bảy Hưng ở ngay Mỹ Tho, và lò Tám Thảo dưới Gò Công. Còn bí quyết nấu hủ tíu ngon hả? Phải xử lý nguyên vật liệu và gia vị sao để nước lèo, thịt thà, rau củ thiệt là vừa miệng. Khoản này thuộc loại gia truyền, khó chỉ bày chi tiết cụ thể lắm à !

Bên cạnh hủ tíu Mỹ Tho, đất phương nam còn nổi tiếng hủ tíu Sa Đéc. Khách sành điệu ở Sài Gòn vẫn còn nhắc quán hủ tíu chính hiệu Sa Đéc do một ngôi sao sân khấu mở tại góc đường Hùng Vương - Nguyễn Tri Phương vào khoảng năm 1973: bà Năm Sa Đéc, người bạn đời của nhà sưu tầm cổ ngoạn Vương Hồng Sển. Bây giờ, hai ông bà đã quy tiên, quán xưa cũng thay tên, đổi chủ. Thèm tô hủ tíu thơm mùi gạo Tân Khánh, hiện chỉ còn cách lặn lội về tỉnh Đồng Tháp, vượt sông Tiền, ghé thị xã Sa Đéc mà lùng sục. Há lẽ ăn tô hủ tíu, chạy ba quãng đồng ?

Đặt vấn đề bếp núc vùng (cuisine réogionale) học giả J. F. Flandrin yêu cầu tiếp cận các món ăn đặc biệt ở mỗi khu vực địa lý nhằm phát hiện "mô hình cấu trúc của hệ thống thực tiễn và khẩu vị ẩm thực của một vùng có gì khác so với các vùng lân cận". Áp dụng phương pháp chọn mẫu, các nhà nghiên cứu có thể đưa ra ba món phổ biến đại diện cho ba phong cách bếp núc vùng của nước ta: miền bắc có phở Hà Nội, miền trung có bún bò giò heo Huế, miền nam có hủ tíu Mỹ Tho hay hủ tíu Sa Đéc. Nhìn từ góc độ nào đấy, tô hủ tíu miền nam không chỉ là món đặc sản. Luận theo giáo sư Trần Quốc Vượng, tô hủ tíu còn là hiện vật sống động biểu hiện cả quá trình "đan xen, hỗn dung, tiếp biến, giao thoa, tương tác của văn hóa Việt Nam nói chung, của nghệ thuật ẩm thực Việt Nam nói riêng".

Hủ tíu kia cũng có ba bảy đường chế biến, soạn bày, thưởng thức và nhận định. "Ba bảy" đây chẳng phải "3 hay 7", cũng chẳng phải "từ 3 đến 7", mà là "37" (băm bảy) hoặc nhiều hơn...

(Theo Alin Tour)

Món ngon Sa Đéc

Thị xã Sa Đéc bên bờ Sa Giang, có nhiều món ẩm thực độc đáo.

Bánh hủ tiếu Sa Đéc có đặc điểm là sợi hủ tiếu mềm, dịu, thơm mùi gạo mới, trắng tinh màu sữa, không quá dai hoặc quá bở. Nước lèo được nấu bằng xương sọ, xương ống chân heo (xí quách), nấu vừa độ lửa và hớt bọt cho nước trong. Thịt bầm có ướp gia vị, thịt nạc tươi, gan, xắt lát trụng chín, chả chiên vàng được phủ lên. Hành lá xắt nhuyễn, vài cọng ngò cùng với dĩa rau gồm có cải thảo, xà lách, hẹ cắt khúc, giá sống. Có thể nhúng bánh “giò chéo quẩy” vào nước lèo trong tô ăn rất ngon.

Gà nòi hầm sả là món mới xuất hiện chừng năm ba năm trở lại đây, nhưng đã nhanh chóng có chỗ đứng trong “mê-nu” ẩm thực được ưa chuộng. Do được nuôi nhốt, cho ăn lúa cội, trùng hổ, dế cơm và thường xuyên thoa bóp ngãi nghệ, tuyệt đối không đổ mái, nên thịt gà nòi rất săn chắc, dẻ dặt. Muốn mua được loại gà này, các quán phải đặt mua ở mấy trường gà.

Gà nòi có trọng lượng từ 2kg trở lên, có cựa trên 1cm, thì thịt mới săn chắc, khi hầm tới nước sẽ vừa ăn, không mềm quá cũng không bở quá! Sau khi nhổ lông, mổ bụng, chặt ra từng miếng cỡ hai, ba ngón tay, rửa sạch, để trong rổ thưa chừng 15 phút cho ráo nước. Cho chừng 1 muỗng canh mỡ heo vào chảo, khử sả, tỏi cho thơm. Đổ thịt gà vào, xào chừng 10 phút vừa ráo chảo. Nước dừa tươi đổ ngập thịt độ 1 tấc rưỡi, kế đến đun lửa thật nhiều cho sôi lên. Lúc gần chín, ta bớt lửa và cho thêm một vốc đậu phộng sống, vài củ cải trắng xắt vuông, vài muỗng sả bằm nhuyễn cùng với vài khúc sả cọng vào và nêm muối, nước mắm, bột ngọt, đường với một ít tiêu đâm dập.

Có thể ăn lẩu gà nòi hầm sả với bún, mì chỉ, phối hợp các loại rau như mùng tơi, cù nèo, cải xanh, tần ô... Thịt gà nòi hầm sả chấm với muối ớt rất tuyệt vời.

Đặc sản bánh phồng tôm Sa Giang và nem, chả lụa, bánh ú, ở phường 2 thị xã là sản vật không thể thiếu trong giỏ xách mang về của du khách.

Bánh phồng tôm Sa Giang của Sa Đéc là một thương hiệu nổi tiếng.

Từ con tôm nước ngọt như tôm tích, tép bạc, tép mòng, tép ròng... qua bàn tay chế biến khéo léo của người Sa Đéc đã trở thành bánh phồng tôm Sa Giang, sản phẩm truyền thống đặc trưng. Bánh được làm từ bột, thịt tôm xay nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ. Các thành phần nguyên liệu sau khi trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi vải dạng hình ống dài. Sau khi hấp chín, người ta cắt ra từng lát tròn mỏng rồi đem phơi khô. Đem chiên giòn với dầu ăn nóng, bánh sẽ nở to ra, có độ giòn, xốp, béo ngậy.

(Báo Cân Thơ Online)

15/2/09

Làng hoa Sa Đéc ở Sài Gòn

Bà Tư Xích cầm điện thoại gọi liên tục ở bến sông phường Tân Quy Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp. Bà đang điều hoa, cây cảnh cho những vựa hoa ở Phan Huy Ích, Gò Vấp, Sài Gòn. Bà Tư Xích là mẹ của ông Lê Hồng Khanh và bà Loan, những chủ vựa hoa Sa Đéc ở Sài Gòn. Gia đình bà có ba người con, đều lên Sài Gòn để mở “văn phòng đại diện” ở đây, tìm đầu ra cho hoa của miệt vườn sông nước này

“Lấy tận gốc”... bán tận ngọn

Trên đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, khoảng hai cây số có gần 30 vựa hoa. Ngoài những vựa nằm ở mặt tiền đường, chợ hoa ở đây nằm tập trung ở địa chỉ 1/10B, đường Phan Huy Ích. Những cư dân này là nông dân ở phường Tây Quy Đông, thị xã Sa Đéc mang hoa kiểng lên bán ở Sài Gòn.

Theo ông Khanh, khách hàng ở đây chủ yếu là khách vãng lai, nhưng người ở phố muốn chơi hoa cảnh, với giá rẻ, thì đây là địa chỉ mà họ tìm đến. Hoa Sa Đéc còn cung cấp cho những người bán hoa dạo, chở trên xe đạp những chậu móng tay, xương rồng, hoa trà, hoa cúc... đi khắp những con đường ở Sài Gòn. Những công trình trang trí, vựa bán hoa, cây cảnh ở quận 1, Phú Lâm, đường Thành Thái, quận 10 cũng mua hoa ở đây.

Những chủ vựa hoa này sống được là nhờ “lấy tận gốc, bán tận ngọn”. Mỗi chậu hoa, người bán chỉ lời từ 500 – 5.000đ, tuỳ chủng loại hoa kiểng. Họ trồng hoa ở vườn nhà Sa Đéc mang lên Sài Gòn bán, không qua một khâu trung gian nào, nên giảm được chi phí. Vườn nhà không đủ cung cấp, những chủ vựa hoa ở Sài Gòn là người Sa Đéc sẽ đi thu gom hoa của nông dân trồng hoa là láng giềng, bà con của mình.

Khát vọng đổi đời

Một trong những vườn hoa, kiểng sớm nhất được mở ra tại đây là vườn Kim Chi của bà Nguyễn Kim Chi, ở Tân Quy Đông, Sa Đéc. Gia đình bà Chi lên Sài Gòn từ năm 1998, ngụ tại đường Phan Huy Ích để mở vựa hoa. “Hồi đó mới lên Sài Gòn, tôi buồn lắm, cứ muốn về. Nhưng lúc đầu, lượng hoa kiểng bán rất chạy, có đồng ra đồng vô”, bà Chi tâm sự. Khoảng năm 1998, con đường này chỉ có vài vựa hoa, thời đó người muốn mua hoa kiểng với số lượng nhiều, họ phải xuống tới Sa Đéc. Với “văn phòng đại diện” này, khách hàng của bà có người ở tận Nha Trang, Phan Thiết, Bảo Lộc vào Sài Gòn để mua.

Vẫn còn bấp bênh...

Không được may mắn như những vựa hoa lâu năm ở đây, năm 2004, nông dân ở Sa Đéc “đổ xô” lên Sài Gòn mở vựa bán hoa. Gần 15 vựa ở “chợ” hoa, cây kiểng tập trung tại địa chỉ 1/10B, Phan Huy Ích thuê lại từ một chủ đất. Cứ mỗi lô đất thuê mở vườn có giá khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Trên miếng đất này, những ngôi nhà cấp bốn được che chắn tạm bợ để ở, và khoảnh sân trước nhà là nơi chứa hoa kiểng.

“Nếu không có tụi tui trên này, mấy ổng ở dưới đó bán kiểng cực lắm. Trồng năm, sáu tháng trời, thương lái tới trả vài ba chục ngàn đồng/cây. Xót lắm!” ông Khanh nói thêm, chính nhờ những vựa này làm đầu mối, mà đầu ra của hoa Sa Đéc tốt hơn.

Dân Sài Gòn mua kiểng ở chợ này có giá rẻ hơn từ 30 – 40%, so với những vườn kiểng khác ở trung tâm thành phố. Trung bình mỗi ngày, mỗi vựa ở đây, bán được khoảng từ 500 – 1.000 chậu hoa, kiểng các loại, tuỳ quy mô của vựa. Thông qua “chợ”, lượng hoa kiểng của Sa Đéc được bán ở đây lên đến 450.000 – 500.000 cây, hoa kiểng lớn nhỏ các loại.

Nông dân về phố mưu sinh vẫn luôn nặng lo toan. Điều mà những nông dân ở đây “sợ” nhất là ông chủ đất không cho thuê nữa, hoặc tăng giá thuê đất.

Theo Sơn Nghĩa (SGTT)

Chùa Phước Hưng

Phước Hưng Cổ tự là một trong những ngôi chùa cổ kính, khang trang, tọa lạc tại trung tâm thị xã SaĐéc. Chùa này do nhóm người Hoa thuộc hội Minh Hương đến đất SaĐéc sanh cơ lập nghiệp dựng nên cách nay hơn một thế kỷ để thờ Phật. Thời gian sau được đồng bào Hoa-Việt trùng tu lại đầy đủ và tiện nghi hơn, nay còn gốc hai chữ chùa Hương.

Chùa Hương đẹp rực rỡ, kiến trúc hài hòa giữa nội và ngoại thất. Chùa có 08 mái và 02 cấp, được lợp ngói âm dương tạo gợn sóng, chót mái lơi ra nhưng không quá nhọn và cong vút lên cao. Nóc và các bức phù điêu trên mái chùa được cẩn miểng gốm màu, tạo dáng hình long, lân, qui, phụng, ánh lên những sắc màu rực rỡ khi tiếp xúc nắng mặt trời.

Qua cửa Đông Lang để vào chánh điện du khách sẽ gặp hai câu đối nghe như âm vang chí nguyện của người xưa. Bên trong Đông Lang là phòng tiếp đón khách thập phương, kế đến là tổ điện gồm 05 gian bố trí 3 đường để chư tăng thọ trai mỗi ngày. Giữa tổ điện phía trong trai đường là bàn thờ chư liệt vị tổ sư và các vị trụ trì. Những di ảnh, linh vị đều nằm trong chiếc khánh bằng gỗ sơn son, thếp vàng chạm trỗ hoa văn rất sắc sảo. Trước tổ điện treo một bức hoành phi cạm trỗ rất công phu, giữa là 03 chữ Bát Nhã Đường nổi bật trên nền mai, lan, trúc, bướm, quạt, cuốn thư, giấy bút… Phía trái của chánh điện là Tây Lang vừa để tiếp tăng khách và cũng là nơi lưu giữ các sách kinh. Trước Tây Lang là một hồ sen trắng tỏa hương, sau là khu tháp mộ của các vị trụ trì.

Cách thức thờ phượng của chùa theo lối cổ, tôn nghiêm gồm hai bộ Tam Thánh Tây Phương cực lạc (Phật A-Di-Đà và Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí), đặc biệt có một pho tượng A-Di-Đà bằng đất sét thếp vàng có niên đại hơn trăm năm, không nung nhưng vẫn chắc chắn tới nay. Trong số các pháp khí có giá trị phải nói đến chiếc mõ tụng kinh chạm hình song ngư tuyệt đẹp và một chiếc mõ khác nặng khoảng 15kg được HT Vĩnh Tràng phát nguyện ra tận Hà Nội thỉnh về..

Sa Đéc hiền hòa, cây lành trái ngọt, nước sông trong mát, hoa kiểng thanh lịch. Có dịp về đây mời du khách đến với cổ tự Phước Hưng nằm trên đường Hùng Vương, con đường chính đẹp nhất giữa lòng thị xã.

Theo Dongthap.com.vn

18/1/09

Hoa Sa Đéc vào vụ Tết

Sa Đéc là nơi nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống, được coi là “vựa kiểng” lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long.

Đến Sa Đéc những ngày này, mới thấy không khí xuân rộn ràng hơn bao giờ hết bởi các loại hoa đua nhau khoe sắc. Các nhà vườn hối hả chăm hoa để đem bán rộ vào khoảng 20 tháng Chạp.

Được biết, tỉnh Đồng Tháp đang lập dự án xây dựng “Làng hoa kiểng Sa Đéc” đến năm 2010 có tổng diện tích là 300 ha; trong đó ngoài việc bảo tồn và phát triển các loại hoa kiểng bản địa đặc thù còn ứng dụng công nghệ sinh học vào việc nhân giống, lai tạo giống mới để nhằm phát triển nghề trồng hoa kiểng theo hướng hiện đại, phát huy tiềm năng của địa phương.


Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image

(VOVNews)

Related Posts with Thumbnails