Với địa thế nằm bên bờ sông Tiền, trên con đường thủy giao thương đi Phnôm Pênh, là trung tâm của một miệt vườn trù phú, Sa Đéc từ xưa đã là một nơi thị tứ và cảng sông quan trọng. Nơi đây đã sớm hình thành phố thị, nhà cửa, phố xá đông đúc và được xây dựng công phu mà hiện nay vẫn còn tồn giữ được rất nhiều ngôi nhà cổ. Người Pháp đã sớm xây dựng các công trình công thự ở cồn Tân Quy Đông biến Sa Đéc trở thành một thị xã có quy hoạch kiến trúc kiểu Châu Âu. Điều này làm cho Sa Đéc hiện tồn tại hai dạng nhà cổ có tuổi đời trên trăm năm, một dạng nhà cổ truyền thống thuần Việt thường bằng gỗ và một dạng nhà cổ ảnh hưởng kiến trúc Phương Tây xây bằng gạch, hay nhà xây kết hợp nhà gỗ.
Các ngôi nhà gỗ xưa của Sa Đéc thường có tầm vóc khá lớn, nó thể hiện sự giàu có của chủ nhân, (thường là các doanh thương buôn bán theo đường sông nước) và tiện ích của con sông Tiền khi dễ dàng vận chuyển gỗ quý từ Cămpuchia về. Trong số các ngôi nhà cổ trên, nổi bật nhất là hai ngôi nhà cổ truyền thống theo kiểu nhà rường Huế, được làm hoàn toàn bằng gỗ tốt, chúng có tuổi đời lâu nhất và phần chạm trổ tinh vi có giá trị mỹ thuật cao.
Các phần trang trí của ngôi nhà như bao lam, khám thờ, thành vọng được chạm trổ tinh xảo với nhiều đồ án hoa văn truyền thống kết hợp với cẩn ốc xà cừ. Ngay từ các cây cột cũng được tạo dáng khá cầu kỳ, chân cột được đẽo thành hình chiếc đôn có chân loe, bụng thắt. Nằm ở dưới các đầu cột của thanh kèo là các hình chạm với đồ án cá hóa rồng. Mặt dưới thanh kèo được chạm viền theo khung chữ nhật, phía trong chạm các đồ án mang phong cách Huế với các đề tài Tứ thời như: mai hóa lân, sen hóa quy, cúc hóa phượng, phật thủ hóa long. Các mặt vách của ngôi nhà cũng theo kiểu thức của nhà cổ phía Nam, các phần chạm khắc được bố trí trong các ô hộc xen kẽ nhau cùng với chấn song tạo nên các mảng vách dày đặc về họa tiết nhưng lại dễ dàng thông gió. Hình chạm trong các ô hộc là đồ án hoa lá quen thuộc như mai điểu, tứ linh, cúc, lan … cách chạm lộng cao khối làm cho họa tiết rất sắc sảo. Bao lam là một khối mỏng thếp vàng viền theo cấu trúc trang nghiêm, vuông vắn với các ô hộc đan xen nhau của khám thờ.
Để hòa hợp với kiến trúc ngôi nhà là các vật dụng nội thất cũng cổ xưa không kém như trường kỷ, bàn ghế, tủ thờ, các cây đèn dầu cổ… Trong ngôi nhà này còn treo rất nhiều hoành phi, câu đối được sơn son, thếp vàng hoặc khảm xà cừ bằng chữ Hán và chữ Nôm, góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp cho không gian nội thất, thể hiện một phần nào suy nghĩ của người Sa Đéc, coi mình như một vùng đất hiếu học của miền Tây.
N.T.T
Tài liệu tham khảo:
_________________________
Bảo tàng Đồng Tháp
Nguyễn Đình Đầu. 300 năm Sa Đéc. Tạp chí Xưa và Nay số 448 tháng 10/97
Điện ảnh Đồng Tháp.
Phim tài liệu Sa Đéc xưa và nay, tập 2: Hồn xưa nhà cổ.
(Theo website Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét