Tỉnh Đồng Tháp vừa quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị xã Sa Đéc đến năm 2025. Theo Quyết định này, trong tương lai thị xã Sa Đéc sẽ là đô thị trung tâm kinh tế cấp vùng của tỉnh, trực tiếp đón nhận và chuyển giao thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại cho các vùng lân cận, đồng thời là nơi trung chuyển và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu đến năm 2020 trở thành đô thị công nghiệp, phát triển toàn diện và bền vững.
Tỉnh đã phê duyệt phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của vùng Sa Đéc đến năm 2010 là: Phát huy lợi thế về nguồn nhân lực, vị trí địa lý để đưa vùng Sa Đéc - khu vực thu hút mạnh các nhà đầu tư, trở thành vùng phát triển kinh tế - xã hội năng động, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất tỉnh. Tập trung xây dựng thị xã Sa Đéc trở thành trung tâm công nghiệp, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, giữ vai trò đầu tàu thúc đẩy cả vùng cùng phát triển. Một số chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 phải đạt được là: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn vùng đạt 16%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 33%/năm; thương mại - dịch vụ tăng 15%/năm; nông - lâm - thuỷ sản tăng 5%/năm. Thị xã Sa Đéc tăng bình quân 20%/năm. Đến năm 2010, mức đóng góp của vùng trong GDP cả tỉnh chiếm 36%. Thu nhập bình quân đầu người toàn Vùng đạt 750 - 800 USD/người/năm (trong đó thị xã Sa Đéc đạt 1.750 - 1.800 USD/người/năm). Tỷ trọng trong cơ cấu GDP của khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 40%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 32%; khu vực nông - lâm - thuỷ sản chiếm 28%... Tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn Vùng đạt 41,3%, trong đó đào tạt nghề đạt 27,6%. Hàng năm giải quyết việc làm cho 14.700 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 710 người. Nâng tỷ lệ dân số sống ở đô thị toàn Vùng đạt 32%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,39%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn dưới 20%; có 95% số hộ được cung cấp điện; có 85% số hộ dân vùng nông thôn được dùng nước sạch vào năm 2010.
Ưu tiên chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội một số ngành và lĩnh vực chủ yếu như: Phát triển công nghiệp và đô thị: Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, vốn đầu tư ít, kết hợp trình độ công nghệ. Về lâu dài, coi trọng việc phát triển các ngành có trình độ công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng lao động có tay nghề cao.
Tích cực hỗ trợ, giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng sản xuất và thành lập thêm nhà máy mới. Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ như: chế biến nông - thuỷ sản - thực phẩm; sản xuất hàng tiêu dùng; công nghiệp vật liệu xây dựng, gốm đất nung; công nghiệp cơ khí phục vụ công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp; khuyến khích đầu tư phát triển thêm một số ngành, sản phẩm như: chế biến trái cây, sản phẩm nhựa dân dụng; sản xuất dầu thực vật; bánh kẹo, nước giải khát; giày da; chế biến súc sản; lắp ráp điện, điện tử; tồn trữ, bảo quản rau quả... Chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với những sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng cường vận động đầu tư vào các Khu công nghiệp Sa Đéc, Sông Hậu, các cụm công nghiệp: An Hiệp, An Nhơn (huyện Châu Thành), Tân Phú Đông, Tân Quy Tây (thị xã Sa Đéc), Tân Dương, Hoà Thành (huyện Lai Vung), Vàm Cống, Bắc kênh xáng Lấp Vò (huyện Lấp Vò) để đầu năm 2008 cơ bản có hạ tầng kỹ thuật đủ điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đã đăng ký đầu tư. Tập trung đầu tư phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ và du lịch cho cả vùng, trong đó tập trung cho đầu tư chỉnh trang, mở rộng không gian nội thị thị xã Sa Đéc theo hướng đô thị văn minh, hiện đại, đúng quy hoạch. Dự kiến quy mô dân số của thị xã Sa Đéc đến năm 2025 khoảng 180.000 người, dân số nội thị khoảng 140.000 người; tổng diện tích đất quy hoạch 3.245 ha, trong đó đất ở gần 1.000 ha, chiếm hơn 30%, đất xây dựng các công trình công nghiệp, thương mại, dịch vụ và giao thông 698 ha, chiếm gần 22%, đất xây dựng các công trình văn hoá, thể thao, y tế, trường học, công viên, cây xanh hơn 172 ha, chiếm 5% và đất dự trữ phát triển hơn 194 ha, chiếm 6%.
Hiện tại, thị xã Sa Đéc đang có tốc độ phát triển kinh - tế xã hội cao nhất tỉnh. Nổi trội nhất là phát triển công nghiệp (do có quốc lộ 80 đi qua và Khu công nghiệp Sa Đéc đang thu hút mạnh đầu tư) và hệ thống thương mại- dịch vụ chi phối mạnh trong khu vực. Để nâng tầm vóc của Sa Đéc trở thành đô thị công nghiệp, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã quyết định qui hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sông Tiền bao gồm thị xã Sa Đéc và 03 huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, lấy thị xã Sa Đéc làm trung tâm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.
(Nguồn: TTXVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét