12/6/10
Theo dấu chân người tình
Nhớ Sa Đéc
Từ Mỹ Hiệp qua bến tàu Sa Đéc mất hơn một tiếng. Trong một tiếng đó, tôi tha hồ đọc sách với gió mát trên sông thổi lồng lộng. (Chuyến về là những quyển sách cũ của mấy cô em họ, ba nó làm nhà phát hành sách ở Sa Đéc nên lần nào tôi qua chơi, nó cũng lựa cho tôi vài cuốn). Có khi tôi nằm lăn ra hàng ghế hành khách, gối đầu lên đùi má ngủ ngon lành, cho đến khi má đánh thức tôi thì tàu đã cập bến Sa Đéc.
Sa Đéc là phố chợ đông vui, thứ gì cũng thu hút con bé nhà quê là tôi. Thường trên đường từ bến tàu để vào chỗ Sở Tư pháp nơi ba tôi ở và làm việc phải qua khu chợ Sa Đéc. Hai má con tôi đi bộ ngang khu chợ, thỉnh thoảng má dừng lại cho tôi ăn một ly bánh lọt hột lựu. Tôi nhớ cái gánh bánh lọt hột lựu nằm nép trước cửa một căn nhà cũ, có mấy cái ghế gỗ thấp thấp. Đó là những ly bánh lọt hiếm hoi và ngọt ngào nhất mà tuổi thơ tôi được hưởng.
Sa Đéc là cây cầu sắt quay bắc qua sông Sa Đéc. Cây cầu xây theo kiểu Pháp. Tôi và má phải đi qua cây cầu đó thì mới tới chỗ ở của ba. Xe cộ qua cầu ngược xuôi rầm rập, tôi vừa thích thú vừa sợ hãi khi ngó qua kẽ cầu thấy dòng Sa Giang đang trôi dưới chân mình.
Sở Tư pháp nơi ba tôi làm việc là dãy nhà có phòng làm việc cùng với những phòng ở tập thể. Bên hông trái, cách con hẻm nhỏ là nhà thờ Tân Quy, cứ 4 giờ chiều đổ chuông, tiếng chuông vang trên sông nước nghe rất lạ. Phòng ở của ba tôi trên lầu hai, từ hành lang trước phòng ba nhìn xuống đường sẽ thấy một công viên hoa nho nhỏ, đối diện qua bên kia đường là Trường tiểu học Tân Long (nay trường đã dời đi, thay bằng một trạm y tế, chắc có lẽ vì trường gần mặt đường quá).
Hồi đó, anh kế tôi lớp 2 đã chuyển trường qua ở cùng ba để đi học cho tiện. Tôi cứ đứng ở hành lang ngóng chừng giờ anh ra chơi, thấy anh bé xíu chạy lăng quăng từ phòng học ra ngoài, rồi anh và nhóm bạn rủ nhau chạy xuyên qua công viên để chơi (hồi đó xe cộ cũng ít). Rồi tôi tiếp tục ngóng anh giờ tan học, thấy anh vai đeo cặp, đi băng băng qua đường, qua công viên, rồi qua đường và tiến lên phòng ba, tôi nghĩ anh thật dũng cảm. Đúng ra là do con mắt bé thơ nhìn gì cũng hóa ra rất vĩ đại, chứ sau này về lại, tôi thấy từ nơi ba ở đi qua trường tiểu học rất gần, cái công viên giữa trường và Sở Tư pháp thì chỉ bằng cái vòng xoay.
Sa Đéc còn là kỷ niệm khó quên giữa tôi và ba. Đó là lần đầu tiên, cuối cùng và duy nhất tôi được ba cõng trên lưng. Chuyến đó má qua Sa Đéc khám bệnh, rồi má phải ở lại để chờ mổ. Ba đưa tôi về lại nhà vì tôi còn phải đi học. Ba không dắt tay tôi như má, mà cõng tôi trên lưng, chắc để đi cho nhanh. Trên tay tôi cầm một bịch nước đá lấy từ tủ lạnh của ba, nước đá lạnh rớt xuống lưng áo ba, tôi điếng người, sợ ba rầy. Ngồi trên lưng ba, tôi ngoái lại thấy má đang đứng trên hành lang đưa tay vẫy vẫy. Tôi muốn khóc hết sức, nhưng gắng ghìm lại. Cảm giác của con bé 6 tuổi vẫn còn rất rõ ràng trong tôi. Vừa sợ ba, lại vừa sung sướng hạnh phúc.
Tôi quay lại Sa Đéc nhiều lần khi tôi lớn; hay vòng xe ngang con đường nơi ba tôi ở hồi xưa, lần nào cũng ngó lên lầu hai, coi có con bé nào ngó xuống đường giống như tôi không. Bến tàu Mỹ Hiệp - Sa Đéc đã mất lâu rồi. Đường bộ thông thương, giờ còn ai mà đi tàu nữa.
Thời gian đã xưa, rất xưa, mà Sa Đéc vẫn chìm lắng trong tôi rất gần gụi, thân thương dù tôi chưa bao giờ là cư dân ở đó.
MINH PHÚC
(Theo Tuổi trẻ)