9/8/09

Dấu xưa Sa Đéc


Về đồng bằng sông Cửu Long, từ phía bờ nam cầu dây văng Mỹ Thuận vòng lên cầu vượt rẽ trái chừng 15km thì đến thị xã Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây cách thành phố Hồ Chí Minh 160km, cách Cần Thơ 55km.

Sa Đéc thời Pháp thuộc từng là thủ phủ hành chính của nhiều tỉnh trong khu vực với toà bố đặt tại thị xã. Trước 1975 đây là một tỉnh riêng lẻ. Từ năm 1994 trở về trước Sa Đéc là tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp. Do có lịch sử hình thành khá lâu đời nên Sa Đéc có rất nhiều đình chùa, nhà cổ, làng nghề nổi tiếng. Đến với thị xã bên bờ Sa Giang này bạn sẽ gặp nhiều kiến trúc cổ, nhà cổ được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ trước.

Chùa Kiến An Cung hay còn gọi là chùa Ông Quách nằm ngay tại trung tâm thị xã Sa Đéc. Chùa do những người Hoa ở tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc di cư sống tại Sa Đéc xây dựng. Mái ngói chùa gồm có 3 lớp. Ngói được lợp theo gợn sóng rồng, cong vút lên cao, tạo dáng “ngũ hành”. Toàn bộ chùa không có kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng lại, chịu lực trên những cột gỗ tròn. Mặt chính trên vách chùa trang trí cây cối, chim thú, tượng người ghép bằng mảng gốm màu thu nhỏ tạo thành những bức tranh. Ở giữa gian chính có tấm hoành phi “Kiến An Cung”, trang trí rồng, mây, nai, hạc. Trên cửa ra vào có 6 con lân gỗ thếp vàng. Trên mặt của mỗi cánh cửa vẽ cảnh sinh hoạt của vua quan. Hai bên cửa vào chính điện có hai con kỳ lân trấn môn bằng đá xanh lớn, chạm khắc tinh xảo. Ngoài Quảng Trạch Tôn Vương (Ông Quách) còn có hai vị thần được thờ ở hai bên trong gian chánh điện. Bên tả là Thanh Thủy Tể Sư, nguyên là thầy thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Bên hữu là Bảo Sanh Đại Đế, có nhiệm vụ bảo vệ sinh mệnh các vị vua chúa.

Trong thị xã Sa Đéc còn có nhiều ngôi đình, chùa cổ, đẹp có giá trị về văn hoá, lịch sử như chùa Hương, chùa Bà Thiên Hậu, đình Vĩnh Phước, Tân Tây Võ miếu, chùa Bà Cửu Thiên Huyền Nữ...

Ngoài chùa chiền, miếu mạo và những làng hoa rực rỡ sắc màu, Sa Đéc còn có 17 ngôi nhà cổ còn khá nguyên vẹn. Những ngôi nhà này được kiến trúc theo phong cách Pháp vào những năm 1900, trong đó nổi bật là trường tiểu học Trưng Vương và nhà ông Huỳnh Thủy Lê, “người tình” của nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras ở số 255A khu phố 1, phường 2, thị xã Sa Đéc. Chợ thực phẩm Sa Đéc và một số công sở mang dấu ấn kiến trúc Pháp hiện vẫn còn sử dụng. Đến với quê hương Sa Đéc bên bờ Sa Giang, bạn sẽ tìm lại được dấu xưa và sẽ khám phá thêm nhiều điều hấp dẫn.

Hoàng Thám (Báo Công an TP. HCM)

Mở cửa "đại siêu thị sách" Sa Đéc

ICTnews - Siêu thị sách Thành Nghĩa có diện tích hơn 3.000 m2, kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng đã được khai trương ngày 18/7 tại thị xã Sa Đéc.


Đây là siêu thị nằm trong hệ thống 30 siêu thị - nhà sách Nguyễn Văn Cừ của doanh nghiệp sách Thành Nghĩa TP.HCM.


Doanh nghiệp Thành Nghĩa cho biết tại đây có gần 50.000 đầu sách các loại được trưng bày với tổng số trên 1 triệu bản sách đủ mọi chủng loại, trong đó mảng chủ lực vẫn là sách chính trị, pháp luật, kinh tế, sách KHKT, sách tin học, sách giáo khoa … Bên cạnh gian hàng sách còn có hơn 10.000 mặt hàng tiêu dùng thời trang, quà lưu niệm, văn phòng phẩm, hàng gia dụng, thực phẩm tươi sống, xưởng bánh ngọt trang thiết bị châu Âu, và các mặt hàng đa dạng phong phú khác phục vụ cho khách hàng đến mua sắm tại siêu thị.


Siêu thị này tạo việc làm cho hơn 150 người ở địa phương. Trong buổi khai trương, doanh nghiệp Thành Nghĩa đã trao tặng 25 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương cho 1 gia đình thương binh ở thị xã Sa Đéc. Theo dự kiến, vào cuối năm nay, doanh nghiệp sẽ khai trương thêm một siêu thị Nhà sách có quy mô lớn hơn nữa ở TP. Cần Thơ và vào đầu năm 2010 doanh nghiệp sẽ mở thêm 1 siêu thị sách lớn tại tỉnh Ninh Thuận.


Hồng Hải

1/8/09

Tên gọi Sa Đéc

Chợ thực phẩm Sa Đéc

Hai tiếng Sa Đéc có lẽ xuất phát từ âm của tiếng Phsa dek của người Khmer hạ, tên của một vị thủy thần gốc Khmer. Trong sách Đại Nam nhất thống chí Lục tỉnh Nam Việt, phần Tự quán (trang 38-39), có chép:

“Chùa Tô Sơn ở địa phận thôn Hưng Nhượng, huyện Hà Dương (tỉnh An Giang), phía tây núi có viên đá hình con rùa. Người xưa truyền rằng: gặp khi trời hạn thì đến đấy cầu đảo ắt có được mưa, thổ nhơn bèn lập đền ở chân núi để thờ, gọi là Sa Đéc (tức là Thủy thần)”.
Trong khi đó trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện sau:
Ngày xưa ở đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu), có một tên chúa đất họ Thạch, vừa giàu có, vừa hung ác. Đất đai cò bay thẳng cánh, con thỏ, con nai ở trong rừng; con cá, con tôm ở dưới sông, con chim ở trên trời… tất cả đều là của họ Thạch. Ai hái, bắt thứ gì mà không nộp một nửa hoa lợi thì đừng hòng thoát khỏi tay y. Đám thuộc hạ của y làm tai mắt ở khắp nơi.

Chúa đất họ Thạch giàu có như vậy mà chỉ có mỗi một mụn con gái. Tên nàng là Phsa-dek, xinh đẹp, tính tình nhân hậu hoàn toàn khác cha. Một hôm, nàng dùng ghe lườn cùng nàng hầu rong chơi trên sông Tiền, chẳng may gặp mưa to gió lớn, ghe bị chìm. Trong lúc chủ tớ đang loai ngoai chờ chết, bỗng đâu có một thanh niên lao xuống cứu được cả hai.
Chàng trai nọ đưa hai người về chòi của mình chăm sóc. Khi tỉnh lại, hai người trò chuyện mỗi lúc mỗi thân mật, gắn bó. Nàng hỏi:
- Chàng đang ở trên đất của ai, chàng biết không?
- Biết chớ, toàn vùng này đều là đất của chúa đất họ Thạch ai mà không biết.
- Chàng không sợ ông ta à?
- Có gì mà phải sợ. Tôi từ phương xa tới đây, đất đai, sông nước là của trời sinh, chỗ nào thích là tôi ở. Ông Thạch đâu có sinh ra đất này hoặc khai khẩn gì đâu mà nói là của ổng.

Phsa-dek không cho chàng biết mình là con gái của chúa đất. Từ đó hai người thường lén lút gặp nhau. Bọn thuộc hạ cho tên chúa đất biết chuyện này. Lập tức hắn nhốt nàng lại và lệnh cho tìm bắt chàng trai nọ cho kỳ được. Bọn thủ hạ truy lùng chàng trai, chàng nhanh chân thoát được, nhưng trúng phải tên độc. Tưởng chàng đã chết, chúng bỏ đi. Nhưng may mắn, chàng được một người đi rừng tình cờ cứu sống. Chàng giữ lại mũi tên có khắc chữ Thạch để mưu tính chuyện trả thù.

Ngày nọ, chàng đột nhập vào dinh cơ tên chúa đất, đốt phá cho đã, rồi bắt hắn mang đi. Bỗng Phsa-dek thấy được, tri hô lên. Đám thuộc hạ ùa tới giải vây cho chủ. Chàng trai quá đỗi sững sờ, ngạc nhiên khi thấy nàng ở đây. Lợi dụng giây phút đó, đám thuộc hạ bắt được chàng và tra tấn rất dã man. Nghĩ rằng tại mình nên người yêu cũng là ân nhân mới gặp nạn, nàng đau đớn ngất lịm đi.
Khi được tin chàng trai bị cột chặt vào bè, rồi phóng hỏa đốt thả trôi sông, nàng Phsa-dek vùng dậy chạy theo nhảy xuống bè để cùng chết chung với chàng, nhưng bị thuộc hạ của chúa đất phóng theo bắt lại.

Phsa-dek bỏ nhà đi tu. Vài năm sau, tên chúa đất họ Thạch qua đời. Nàng trở thành người thừa kế một sản nghiệp đồ sộ của dòng họ Thạch. Một phần tài sản được nàng chia cho dân nghèo, phần còn lại dùng vào việc đắp đường, bồi lộ, dựng cầu và xây một nhà lồng chợ để cho người mua, kẻ bán có chỗ che nắng trú mưa.

Ngôi chợ đó được gọi là chợ Phsa-dek, lâu ngày nói trại thành Sa Đéc đến ngày nay. Còn nàng thì được nhân dân kính cẩn tôn lên hàng nữ thần. Tương truyền nàng rất linh thiêng, nhân dân cầu xin điều gì cũng đều được linh ứng.

Đền thờ thủy thần Sa Đéc trên núi Cô Tô với chuyện này không biết có liên hệ gì với nhau không?, song cả hai đều liên quan đến tên gọi Sa Đéc.

Trong Gia Định thành thông chí (tập hạ) của Trịnh Hoài Đức mô tả chợ Sa Đéc như sau: “Chợ ở đông huyện Vĩnh An. Phố chợ dọc theo bờ sông, nhà hai bên liên tiếp 5 dặm, dưới sông có những nhà bè, gác làm phòng ốc, đậu sát nhau, hoặc bán hàng lụa, khí dụng ở Nam Bắc chở đến, hoặc bán dầu rái, than, mây tre… Trên bờ và dưới sông hàng hóa tốt đẹp, trông khá vui vẻ, thật là nơi thắng địa phồn hoa vậy”.

Như vậy, Sa Đéc quả thật là một chợ nổi, nổi tiếng trên sông nước. Phải chăng chính vì vậy mà người Khmer gọi là Phsa ădek (có nghĩa là chợ nổi) và người Việt phát âm thành Sa Đéc?

(Nguồn: “Tìm hiểu nguồn gốc Địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết”

Related Posts with Thumbnails