5/5/08

Chùa Bà Sa Đéc

Chùa Bà ở Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp là một ngôi chùa cổ kính, có lối kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Trung Hoa. Chùa được cộng đồng người Hoa ở đây xây dựng từ năm 1867 để làm nơi thờ cúng và dùng cho việc sinh hoạt cộng đồng ở địa phương. Chùa có diện tích trên 1.000 m2, tọa lạc tại số 143 đường Trần Hưng Đạo, phường 1, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay, nơi này là một cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa ở Sa Đéc và là nơi người dân, khách du lịch ở mọi miền đất nước, về thưởng ngoạn và cúng bái.

Được biết trước đây, ngôi chùa chỉ nằm trên một khuôn viên hẹp, chủ yếu được cất bằng tre lá, do nhóm người Hoa Phước Kiến đề xuất xây dựng. Đến năm 1886 chùa mới bắt đầu trùng tu và xây dựng thêm, mở mang diện tích, xây gạch, ốp đá, trang trí, nên chùa có qui mô lớn hơn, nhiều màu sắc sặc sỡ. Hầu hết các nguyên vật liệu để trùng tu ngôi chùa đều được chở từ Trung Quốc sang. Hiện nay, chùa có bốn bang Quảng Đông, Triều Châu, Hẹ, Phước Kiến thay phiên nhau bảo quản và lo khói hương cúng bái.

Trước chùa Bà có một khoảng sân rất rộng, được tráng xi măng sạch sẽ, trồng nhiều cây kiểng, có hàng rào bao bọc xung quanh. Nóc chùa được lợp ngói âm dương. Trên mái nóc trang trí hình lưỡng long tranh châu cùng tượng các hình nhân của các vị tiên, phật trong các truyện xưa tích cũ của Trung Hoa. Trên trần nhà, phía dưới mái nóc, có rất nhiều tranh vẽ về các câu chuyện truyền kỳ của Trung Quốc như: Tam quốc diễn nghĩa, Phong Thần, Đông Chu liệt quốc... Dưới trần nhà, hai bên có hai tượng kỳ lân bằng đá đang ngồi trên thanh xà ngang, mặt hướng về phía trước như trấn giữ cho ngôi chùa.

Dưới mái nóc, còn có treo những quả đèn cầu hai bên trông thật đẹp mắt. Ở hai cửa chính, có hai dòng chữ Hán: Bên trái là An dân. Bên phải là Bảo quốc. Ngoài ra, chùa còn có đông lang và tây lang - dùng để sinh hoạt tiếp khách. Một bên thờ Tề thiên đại thánh, một bên thờ Quan thánh đế quân.
Ngay sau cửa chính có hai bàn thờ của Hữu môn thần và Tả môn thần ở hai bên. Trên cổng chính là bức hoành phi với dòng chữ Hán là Thiện Hậu cung. Chùa được cất theo hình chữ Đinh, đặc biệt là gian trước và gian sau được cất liền nhau, không có sân thiên tĩnh. Hai bên vách, phía trên được để trống chứ không xây bít lại - dùng để đón lấy ánh sáng mặt trời, nên trong chùa rất sáng sủa và thoáng đãng, không có vẻ tĩnh mịch nhưng lại cũng rất trang nghiêm.

Có 16 hàng cột to dùng để đỡ mái nóc. Xung quanh các hàng cột này, có rất nhiều liễn đối bằng chữ Hán với nền đỏ sậm và dòng chữ đen tuyền. Xung quanh cũng có rất nhiều hình vẽ, hoành phi, câu đối, võng lọng được trang trí khéo léo nên trông rất đẹp mắt, đồng thời thể hiện một cách đặc sắc trong phong cách văn hóa truyền thống Trung Hoa thông qua các liễn đối và cách bài trí.
Nhưng lộng lẫy và uy nghiêm nhất chùa là chính điện. Phía trái có một tòa tháp 7 tầng dùng để đựng chân nhang mỗi khi đốt xong. Gian chính điện được trang trí lộng lẫy với nhiều hoành phi màu đỏ và sắc chữ màu vàng. Chính điện được chia làm ba gian chính.

Gian giữa là bàn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu - vị thần được bà con người Hoa xem như một vị thần biển có công giúp đỡ ngư dân, thương buôn... Trong cuộc sống mưu sinh của họ, bà thường hiển linh trợ giúp kịp thời những tàu thuyền mỗi khi gặp gió to sóng lớn, phù hộ cho dân chài có cuộc sống an lành, bình yên. Chính vì lẽ đó, hình ảnh của bà luôn được cộng đồng người Hoa suy tôn là một vị thần theo lệnh trời phù hộ cho muôn dân.

Theo truyền thuyết, vào đời Tống Thái Tổ, Kiến Long nguyên niên (960), tại huyện Bố Điền, phủ Hưng Hóa, tỉnh Phước Kiến, có con gái thứ 6 của Lâm Nguyên. Khi mới lọt lòng mẹ đã tỏa hào quang, hương thơm. Khi lớn có thể cưỡi chiếu, biển, cưỡi mây đi du ngoạn khắp nơi. Đến năm Tống Thái Tôn thứ 4 (987) bà đã giã từ cõi trần, hưởng dương 27 tuổi. Truyền thuyết dân gian cho rằng bà thường hiển linh mặc đồ đen bay lượn trên biển. Từ đó qua các triều đại phong kiến Trung Quốc bà đều được phong tước hiệu. Đời Nguyên, được phong làm Thiên Phi, đời Thanh Khang Hy, bà đều được gia phong làm Thiên Hậu...


Theo sử liệu, thì vào đầu niên đại Mãn Thanh (đầu 1760), đã có rất nhiều thương buôn đi tàu sang Việt Nam buôn bán, làm ăn, do đi tàu sóng to gió lớn nên trên tàu đều có thờ Thánh Mẫu để phù hộ. Lúc bấy giờ, tàu bè đi biển thường trông theo hướng gió, thường đi từ lúc mùa gió Bắc và về lúc mùa gió Nam, do đó họ luôn phải ở lại Việt Nam vài ba tháng mỗi năm. Nhiều người trong số thương buôn đã đề nghị hùn tiền xây miếu để thờ bà và xây Hội quán để làm nơi dừng chân của họ. Sau này, vì bên Trung Quốc, thời cuộc không ổn định, nhiều thương gia đã không về nước mà ở lại Việt Nam để an cư lạc nghiệp.


Hằng năm, chùa Bà ở Sa Đéc có hai ngày lễ lớn: ngày 23 tháng 3 âm lịch là vía ngày sanh. Ngày 9 tháng 9 âm lịch là ngày hiển thánh. Nhưng long trọng hơn cả là ngày vía bà 23 tháng 3 âm lịch. Để tổ chức tốt cho kỳ lễ vía, bà con người Hoa đã chuẩn bị nhiều ngày trước đó: khoảng 18 tháng 3 âm lịch là bà con người Hoa đã tập trung ở Hội quán để sửa sang, quét dọn, chuẩn bị... Người ta tổ chức tắm cho Bà sạch sẽ, thay quần áo mới cho Bà. Lễ tắm Bà được tổ chức rất trang trọng, nơi Bà ngự được quét dọn sạch sẽ, căng màn che lại, cử hai cô gái vào tắm rửa cho Bà. Người ta nấu nước sôi để nguội rồi đổ vào thau, hái lá bưởi để vào rồi dùng khăn tắm cho Bà. Lá bưởi được người Hoa tin như một thứ bùa hộ mệnh dùng để tẩy sạch bụi trần, bao điều phiền muộn, những thứ xui xẻo, không may mắn. Sau khi tắm Bà xong, người ta lấy nước đó về tắm cho trẻ con để cầu mong nó được khỏe mạnh, nên người.


Khoảng 6 giờ sáng, ngày 23 tháng 3 âm lịch, những người trong Ban trị sự của Hội quán đã đến chuẩn bị lễ vật cho ngày vía Bà. Lúc này cũng đã có nhiều người đến cúng bái. Người ta mang theo nhang đèn, trà, rượu.... gà vịt đã làm sẵn để cúng bái. Cúng xong, có người mang lễ vật về, nhưng cũng có người để lại. Đúng 9 giờ sáng là chính thức làm lễ vía Bà. Bởi số 9 được người Hoa quan niệm là con số may mắn nên 9 giờ là giờ tốt. Khi lễ vía Bà ở Hội quán xong, bà con người Hoa còn tổ chức đưa Bà đi du ngoạn quanh các đường phố, các con đường lớn, người ta khiêng tượng Bà đi vòng quanh các con phố gọi là thỉnh Bà hành cung. Trong buổi du ngoạn đó, có đại diện Ban trị sự Hội quán, đông đảo bà con người Hoa đi cùng, mặc đồ lễ, có lọng che, cờ phướn, cờ lệnh, trống kèn... thật nô nức, nhộn nhịp. Mục đích của chuyến du ngoạn này là để cho Bà xem nhân tình thế thái, cảnh sắc quê hương... Trên đường Bà du ngoạn, có một vài gia đình người Hoa đặt bàn cúng trước nhà - nơi Bà sẽ đi qua để hộ tống Bà và cũng cầu Bà ban cho phước lộc, tiền tài...

Ngày nay, lệ này dường như không còn nữa vì tổ chức như vậy rất rườm rà và tốn kém.
Chùa Bà Sa Đéc thiên về cúng đồ chay, nhưng trong những ngày vía, ngày lễ đó người ta cũng cúng mặn gồm heo, gà, hương đăng trà quả... Trong các ngày này, khách thập phương cũng như dân làng xung quanh đổ về chùa rất đông. Tất cả đều thành tâm cúng bái, vui chơi, thưởng ngoạn. Ngày vía bà hằng năm thật sự là một ngày hội lớn, là một nét sinh hoạt văn hóa vui tươi và đầy bổ ích không chỉ của cộng đồng người Hoa ở Sa Đéc mà còn là niềm vui chung của các dân tộc ở đây. Vì lẽ đó mà ngày 10 tháng 4 năm 2003 Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ra Quyết định số 416/QĐ.UBHC công nhận chùa Bà là một di tích lịch sử cấp tỉnh.

Kiều Quang - Báo Cần Thơ

Nghệ sĩ Năm Sa Đéc: Ngôi sao sáng cải lương Nam bộ

Ở Nam bộ, nói đến nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc, từ tuổi 40 trở lên ít ai là không nghe danh tiếng của bà.
Lùi lại hơn 80 năm trước, từ giai đoạn sơ khai của nghệ thuật cải lương, phong trào ca nhạc cổ điển được nhân dân ái mộ và phát triển rộng khắp các làng quê nông thôn Nam bộ. Từ năm 1910, bài bản cổ nhạc khá phong phú đa dạng qua các làn điệu hò, lý, ngâm... thuộc dân ca đã được chuyển hóa, đủ 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 bài lớn, 8 bài Ngự, 10 bài Liên Hoàn... Danh ca, nhạc sĩ, xuất hiện đông đảo.

Các lễ hội cúng đình, cúng miễu, giỗ chạp, tiệc tùng, liên hoan, thôi nôi, đầy tháng... hay rước các danh ca, nhạc sĩ giúp vui, thường họ ít khi nhận thù lao, chỉ chè chén qua loa cho xôm tụ, với sự góp mặt của các nhà giáo, các kỳ lão. Tóm lại, nơi nào có quần chúng tụ họp là có tài tử đàn ca. Lúc đầu còn ngồi ca, tài tử cao hứng vừa ca vừa ra bộ. Ca và ra bộ càng nhiều thì khán giả càng tán thưởng. Rồi lần hồi tiến dần đến hát chập, cao hơn một bước nữa là sân khấu.

Năm 1915, tại tỉnh Sa Đéc, một gánh hát bội tiên phong ra đời mang tên Thiện Tiền Ban do ông Hương Cả Tam, tên thật là Nguyễn Văn Tam, đứng ra thành lập và làm “bầu gánh”. Hương Cả Tam chánh quán tại làng Tân Đông, tổng An Thạnh Hạ, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Mà Hương Cả Tam là thân sinh của nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc.

Nghệ sĩ Năm Sa Đéc, chính danh là Nguyễn Kim Chung, sinh năm 1908 và mất năm 1988, hưởng thọ 80 tuổi. Năm nay, kỷ niệm 90 năm ngày sinh và 18 năm ngày giỗ của bà.

Nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc gia nhập sân khấu theo chí hướng của cha mẹ. Vì Năm Sa Đéc xuất thân từ hát bội. Gánh hát mà bà gia nhập là Phước Tường năm 1928, năm đó bà mới 20 tuổi, chủ gánh là Sáu Xưởng, em ruột của Nguyễn Ngọc Cương, bầu gánh Phước Cương, thân sinh của nữ NSƯT Kim Cương. Sau đó, bà rời gánh Phước Tường, cộng sự với đoàn Phụng Hảo của nữ NSND lão thành Phùng Há, lần lượt bà cộng tác gánh Vân Hảo (Ba Vân - Phùng Há), Thanh Minh - Thanh Nga (chủ bầu Lư Hòa Nghĩa, cha ruột của Thanh Nga và Bảo Quốc)... Vì bà từ sân khấu hát bội bước qua lĩnh vực cải lương nên nghề nghiệp rất vững vàng, chỉ cần học tập thêm chút ca cổ là tiến bộ rực rỡ trên nghệ thuật sân khấu cải lương.

Mấy chục năm qua, người sành điệu sân khấu ca kịch, chắc còn nhớ vai bà Phán Lợi, do nữ diễn viên Năm Sa Đéc thủ diễn, qua vở xã hội Đoạn tuyệt (phóng tác theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Nhất Linh) rất thành công, được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt qua nhiều lần trình diễn trên sân khấu đại ban Thanh Minh - Thanh Nga, ăn khách một thời. Nhiều ký giả kịch trường thời đó đã khẳng định chưa ai thủ diễn vai bà Phán Lợi hay hơn nữ diễn viên Năm Sa Đéc.

Và đời sống hạnh phúc lứa đôi, bà đã một lần đổ vỡ, mãi đến năm 1947, bà chắp nối cùng nhà biên thảo Vương Hồng Sển, nguyên Giám thư Bảo tàng viện Sài Gòn. Qua quá trình chung sống với cụ Vương Hồng Sển hơn 40 năm, bà hạ sinh người con trai duy nhất là Vương Hồng Bảo, sinh năm 1951. Ngoài địa hạt ca kịch cải lương, bà còn là nữ minh tinh điện ảnh qua nhiều bộ phim thực hiện trước năm 1975 mà chắc khán giả khó quên: Lệ đá, Con ma nhà họ Hứa...

Sau năm 1975, mặc dù tuổi tác đã cao, nhưng nghệ thuật vẫn không chùn bước, “Gừng càng già càng cay”, khán giả yêu mến kịch nói vẫn tiếp tục gặp lại bà trong vở Lá sầu riêng của đoàn kịch Kim Cương. Dù vắng mặt trên sân khấu, bà Năm Sa Đéc lại xuất hiện ở phim ảnh với những bộ phim quen thuộc như: Cho đến bao giờ (do đạo diễn Huy Thành năm 1983), Mùa nước nổi (Hồng Sến năm 1984), Con thú tật nguyền (Hồ Quang Minh năm 1984), Nơi bình yên chim hót (Việt Linh năm 1986) và bộ phim cuối cùng là Phù sa thực hiện năm 1987 bà thủ diễn vai bà Hai Lành. Hoàn thành bộ phim Phù sa, bà Năm Sa Đéc trở về Sài Gòn rồi nhuốm bệnh, phần tuổi cao, sức yếu... bà từ giã cỏi đời một cách đột ngột vào năm 1988, thọ 80 tuổi.

Nhắc đến chân dung nghệ sĩ Năm Sa Đéc vang bóng một thời để khách mộ điệu thương tiếc một tài hoa với đức hạnh vẹn toàn để lớp nghệ sĩ sau lấy đó làm điểm tựa soi gương, đồng thời thắp nén hương tưởng niệm bà nhân 90 năm ngày sinh và 18 năm ngày giỗ nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc.
TRỌNG TRÍ

(Báo Bình Dương)
Related Posts with Thumbnails